Kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với Hàn Quốc

Từ năm 2001, mối quan hệ hợp tác chính thức giữa tỉnh Quảng Trị với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc được thiết lập với việc phía Hàn Quốc tài trợ triển khai dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới (Saemaul Undong) tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Từ sự khởi đầu này, mối quan hệ hợp tác hai bên đã được phát triển, mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

 Trường Trung cấp nghề Quảng Trị được đầu tư nâng cấp từ nguồn kinh phí tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: HQ

Trường Trung cấp nghề Quảng Trị được đầu tư nâng cấp từ nguồn kinh phí tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: HQ

Với nhiều người dân thôn Hiền Lương, dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nông thôn kiểu mới trị giá trên 1,9 tỉ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ cùng với vốn đối ứng trong nước và nhân dân đóng góp được triển khai thực hiện đã tạo ra nhiều đổi thay đối với sinh hoạt và sản xuất của họ. Đó là một số hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà trẻ, nhà văn hóa, trang thiết bị phục vụ đời sống văn hóa tinh thần… được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cùng với sự mở mang về tư duy, cách làm trong phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới nhờ những kiến thức, kinh nghiệm mà người dân, cán bộ địa phương được tiếp nhận. Đến thời điểm này, các hạng mục công trình đã được đầu tư vẫn phát huy tốt công năng, hiệu quả sử dụng và là yếu tố cơ bản để Hiền Lương đã trở thành một miền quê trù phú…

Năm 2003, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh với quy mô 125 giường bệnh được triển khai thực hiện, trong đó Chính phủ Hàn Quốc tài trợ số tiền 0,5 triệu USD. Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục cung cấp 4,7 triệu USD để thực hiện dự án tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo nghề cho Trường Trung cấp nghề Quảng Trị. Nhờ sự đầu tư này, Trường Trung cấp nghề Quảng Trị đã có bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, thiết bị và năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý để đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo các nghề như: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, công nghệ hàn, kỹ thuật xây dựng, vận hành máy thi công nền, lập trình máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí...

Từ những kết quả này, đến năm 2015, KOICA phối hợp với tỉnh Quảng Trị triển khai chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” với tổng kinh phí 11,67 triệu USD, trong đó KOICA tài trợ 9,67 triệu USD. Đây là một dự án có quy mô khá lớn được triển khai từ năm 2015 - 2018 tại 7 xã gồm: Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; Hải Thượng, huyện Hải Lăng; Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; Cam Thủy, huyện Cam Lộ; Thuận, huyện Hướng Hóa; Mò Ó, huyện Đakrông và Gio Phong, huyện Gio Linh. Mục tiêu chính của dự án là cải thiện sinh kế, thu nhập cho người dân; cải thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực y tế; bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản trị hành chính công. Quá trình triển khai thực hiện, dự án này đã mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, đặc biệt trong cải thiện thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Đơn cử như tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, từ năm 2015 - 2017, KOICA đã tài trợ trên 13 tỉ đồng để thực hiện các mục tiêu. Trong đó, ngoài đầu tư 4,6 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, KOICA dành trên 8,4 tỉ đồng để thực hiện nâng cao thu nhập cho 124 hộ gia đình thông qua xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế như chăn nuôi bò, dê, cá và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Theo đánh giá của UBND xã Cam Thủy, sự đầu tư kịp thời, hiệu quả của KOICA không chỉ giúp các hộ dân trực tiếp thụ hưởng dự án hưởng lợi mà còn tác động tích cực đến các đối tượng khác ở địa phương đổi mới tư duy sản xuất để thoát nghèo bền vững… Trong khuôn khổ chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”, KOICA cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 60 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều trang thiết bị y tế, trồng 60 ha rừng ở các địa phương để cải thiện môi trường. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị để nâng cấp giảng đường, ký túc xá và trang thiết bị phục vụ đào tạo…

Ngoài những chương trình hợp tác trên, tỉnh Quảng Trị và các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc cũng đã triển khai một số chương trình quảng bá, xúc tiến đầu tư. Qua đó, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc như: Rich and Wise, Korea Western Power, C&N Vina, Daewon… nghiên cứu triển khai các dự án về năng lượng, phát triển đô thị, phát triển hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, may mặc trên địa bàn. Đến nay đã có 1 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc được cấp quyết định chủ trương đầu tư là dự án Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI Vina Quảng Trị của Công ty Poong In Trading với tổng vốn đầu tư đăng ký 20 triệu USD. Đây cũng là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn đăng ký lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này.

Trong quá trình hợp tác, phía Hàn Quốc ghi nhận và đánh giá rất cao sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ và hiệu quả về mọi mặt của tỉnh Quảng Trị, nhất là cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để vốn đầu tư phát huy tốt hiệu quả.

Một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay tỉnh đang đề xuất với phía Hàn Quốc hợp tác triển khai một số chương trình, dự án như: Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội - Phục hồi chức năng cho người khuyết tật; chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” giai đoạn 2 triển khai ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng, Đakrông và Hướng Hóa. Đồng thời hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai các dự án về năng lượng, hạ tầng, phát triển đô thị của các nhà đầu tư Hàn Quốc trên địa bàn…

Với những kết quả tích cực đạt được, tin rằng thời gian tới mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ được nâng tầm, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên.

Huy Quân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=146786