Kết quả khả quan tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở và điều hành linh hoạt của tỉnh, quý I năm nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Sản xuất thương mại và đầu tư Thuận Đạt (Ân Thi)

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mặc dù chịu tác động bởi tình hình thế giới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao, giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành bằng nhiều giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh nhanh chóng ổn định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương và sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm không gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong tỉnh vẫn duy trì ổn định nhịp độ sản xuất, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về sản xuất trong những ngày nghỉ lễ và cả giai đoạn.

Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong quý I, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN; tiếp nhận và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngày 14/3, Dự án KCN số 05 có diện tích hơn 192 héc-ta, thuộc các xã: Xuân Trúc, Quảng Lãng (Ân Thi) và xã Nghĩa Dân (Kim Động), với tổng mức đầu tư 2.385 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Dự án sẽ tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác; công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất, kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, trong quý I năm nay, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực có sự tăng trưởng khá là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,27% so với cùng kỳ; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,11%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,31%... Đáng chú ý là chỉ số ngành sản xuất trang phục tăng 25,42% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, vận tải tăng, các doanh nghiệp may mặc của tỉnh đã nhanh chóng cơ cấu lại sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới ngay trong các thị trường truyền thống cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng thận trọng, dự báo sát thị trường và có giải pháp tối ưu để duy trì sản xuất. Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ) cho biết: Công ty đã chủ động tìm kiếm các đối tác truyền thống, đối tác mới, vừa động viên người lao động đồng hành cùng công ty chia sẻ những lúc khó khăn, sắp xếp lại dự án đầu tư, dự án nào cần thiết, để tập trung nguồn tài chính cho việc chuyển đổi mặt hàng, đầu tư thiết bị, đào tạo lao động để họ yên tâm làm việc gắn bó với công ty.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và sự điều hành khoa học, linh hoạt của chính quyền các cấp thì sản xuất công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, nhất là thị trường quốc tế có nhiều diễn biến không thuận lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để ngành công nghiệp phát triển ổn định, Sở Công Thương sẽ tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, điện nông thôn; hỗ trợ sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho nhà đầu tư… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.

Các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tiếp tục tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án công trình trọng điểm; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành như: May mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, góp phần khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất, nhất là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sản xuất các sản phẩm mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần quan tâm giúp tỉnh thu hút đầu tư, giới thiệu các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư vào địa bàn.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202303/ket-qua-kha-quan-tang-truong-san-xuat-cong-nghiep-b4e070a/