Kết quả nghiên cứu mới giải đáp nhiều câu hỏi về Omicron
Biến chủng Omicron đã lan rộng tới hơn 100 quốc gia. Các nghiên cứu ban đầu và những dữ liệu lâm sàng cho thấy Omicron có sự khác biệt lớn so với các biến chủng khác.
Sự đe dọa của biến chủng Omicron ngày càng được quan tâm, với nhiều dữ liệu lâm sàng và các nghiên cứu khoa học ban đầu cho thấy tuy Omicron gây bệnh nhẹ hơn nhưng lại dễ lây lan hơn các chủng khác của SARS-CoV-2, theo Wall Street Journal.
“Omicron lây lan rất nhanh nhưng dường như không có độc lực hoặc sức mạnh để tạo nên một tập hợp tấn công mạnh mẽ như Alpha hoặc Delta”, James Musser, Chủ tịch Khoa bệnh học và gene di truyền của Bệnh viện Houston Methodist và cũng là người chỉ đạo một nghiên cứu về sự lây nhiễm Omicron, nhận định.
Vị trí lây nhiễm khác
Các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy độc lực thấp của Omicron phản ánh khuynh hướng rất rõ việc biến chủng này phát triển mạnh trên các tế bào ở đường hô hấp trên chứ không phải ở phổi - vị trí lây nhiễm quen thuộc của Covid-19, gây ra các biến chứng nặng dễ tử vong.
Các thí nghiệm tại Đại học Cambridge và Đại học Hong Kong được tiến hành trên các biểu mô hô hấp của con người cho thấy Omicron có xu hướng lây nhiễm ở các tế bào trong phế quản, các ống nối khí quản với phổi, trong khi biến chủng Delta lây nhiễm và tái tạo tốt hơn trong mô phổi.
Ravindra Gupta, nhà virus học tại Đại học Cambridge, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Sự sao chép đường thở dưới là một lối tắt hoặc là lý do gây bệnh trầm trọng và có thể chúng ta sẽ gặp trường hợp virus tạo ra các tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn".
Các kết quả tương tự từ các thí nghiệm trên chuột và chuột lang đều cho thấy biến chủng này có xu hướng lây nhiễm qua đường mũi của động vật trong khi các biến chủng khác tấn công vào phổi. Kết quả từ nhóm các nhà khoa học khác cũng phát hiện rằng động vật bị nhiễm Omicron có dấu hiệu bệnh nhẹ hơn so với động vật bị nhiễm các biến chủng trước đó.
Michael Diamond, nhà miễn dịch virus học tại Đại học Y Washington ở St. Louis và cũng tham gia nghiên cứu cho biết: “Điều đó cho thấy rằng virus gặp một số khó khăn cố hữu ở động vật, đi từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới. Chúng tôi cũng chưa rõ việc đó có thể giải thích cho diễn biến ở người hay không".
Tiến sĩ Diamond cho biết Omicron là chủng duy nhất trong số các biến chủng SARS-CoV-2 được thử nghiệm đến nay về xu hướng ảnh hưởng đến đường hô hấp trên của chuột lang chứ không ảnh hưởng đến phổi.
Các phát hiện này phù hợp với kết quả lâm sàng được báo cáo từ Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định vào tháng 11/2021.
Waasila Jassat, một chuyên gia y tế công cộng tại Viện Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm ở Johannesburg cho biết: “Chúng tôi không thấy có bệnh nhân nào bị viêm phổi do Covid-19 hoặc biến chứng phổi", khi nói về các trường hợp bệnh nặng.
Nhưng các thí nghiệm trên động vật và cấy mô vẫn còn nhiều giới hạn để suy ra trường hợp ở người, Vineet Menachery, một nhà virus học tại Đại học Y khoa Texas, cho biết. Ông nói thêm: “Mô hình chuột lang và chuột không phù hợp để làm xét nghiệm kiểm tra đường hô hấp trên” vì phổi của chúng gần giống với con người hơn là đường hô hấp trên.
Các đột biến đặc biệt trong protein gai của Omicron, cấu trúc mà virus sử dụng để gắn vào và xâm nhập vào tế bào, có thể giúp giải thích tại sao biến chủng này lại lây lan dễ dàng như vậy.
Các gai của Omicron chia sẻ các đột biến được phát hiện trong các biến chủng trước là liên kết các phần tử virus chặt chẽ hơn với các tế bào. Đó là một quá trình mà tiến sĩ Menachery ví như một chiếc chìa khóa khớp với một ổ khóa. Omicron cũng có hai đột biến, H655Y và P681H, giúp tăng khả năng xâm nhập vào tế bào của virus.
Triệu chứng nhẹ
Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa trả lời được nhiều câu hỏi về Omicron trong khi biến chủng này đã bùng phát ở hơn 100 quốc gia.
Chẳng hạn, chúng ta vẫn chưa rõ được triệu chứng khác nhau của Omicron ở những người chưa được tiêm chủng, những người đã có miễn dịch từ việc tiêm chủng hoặc bị nhiễm trước đó. Nhiều báo cáo cho thấy rằng những người có miễn dịch trước đó có triệu chứng nhẹ hơn.
Tương tự, các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để kết luận rằng Omicron ít gây tử vong hơn các biến chủng khác - mặc dù tỷ lệ nhập viện tương đối thấp và giảm tình trạng hỗ trợ thở bằng máy cho bệnh nhân, có nghĩa là vẫn có khả năng xảy ra trường hợp đó.
Theo các nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Musser, những người bị nhiễm chủng Omicron ít phải nhập viện hoặc phải chăm sóc đặc biệt hơn những người nhiễm biến chủng Delta.
“Nếu so sánh một người nhiễm chủng Omicron và một người nhiễm chủng Delta với điền kiện như nhau, tình trạng tiêm chủng và độ tuổi tương đương thì các yếu tố rủi ro lần lượt là 60% hoặc 70%”, tiến sĩ Wachter nói.
Giới chức y tế công cộng đã bày tỏ lo ngại rằng số lượng tuyệt đối các trường hợp nhiễm Omicron, kể cả các ca nhiễm lần đầu lẫn ca nhiễm ở những người đã được tiêm chủng, có thể khiến các bệnh viện ở Mỹ quá tải.
Vào ngày 6/1, số ca nhiễm trung bình trong vòng 7 ngày tại nước Mỹ là 602.547 ca, theo phân tích của Wall Street Journal về dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.
Khi việc nghiên cứu Omicron vẫn còn đang tiếp diễn, các bác sĩ và giới chức y tế cộng đồng tiếp tục kêu gọi người Mỹ tiêm chủng và tiêm mũi bổ sung, tích cực đeo khẩu trang và cách ly xã hội.
Bác sĩ Nahid Bhadelia, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm thuộc Đại học Boston cho biết: "Trong khi làn sóng dịch đang dâng cao, bạn sẽ thấy số ca nhập viện tăng lên với số lượng tuyệt đối, đó là lý do tại sao chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe cộng đồng và yêu cầu ít nhất từ 6 đến 8 tuần tới nên thực hiện mọi biện pháp có thể".