Kết quả nổi bật của ngành Tư pháp góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội
Trong năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương đang trong giai đoạn phục hồi nhưng tăng trưởng còn chậm, đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đây cũng là năm tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ tư pháp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhờ được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp trên địa bàn tỉnh, năm 2023, Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác tư pháp.
Trong năm 2023, để thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp, tỉnh đã tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác tư pháp gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong năm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 8 nghị quyết quy phạm pháp luật và UBND tỉnh ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao, nhiều ý kiến thẩm định được cơ quan soạn thảo ghi nhận, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi ban hành. Sở Tư pháp thực hiện thẩm định 3 đề nghị xây dựng nghị quyết có nội dung chính sách và 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gồm 16 lượt dự thảo nghị quyết và 31 lượt dự thảo quyết định; có ý kiến đối với 40 đề nghị xây dựng; góp ý 73 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 47 văn bản hành chính. Năm 2023, các sở, ngành rà soát thường xuyên 19 văn bản, kết quả đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 19/19 văn bản.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, đôn đốc, phối hợp hướng dẫn trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, phân công trách nhiệm của thành viên hội đồng trong triển khai tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Cùng với đó, ngành Tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa, đổi mới hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân.
Năm qua, UBND tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2023” đã thu hút 101.703 thí sinh với 298.515 lượt thi. Ngoài ra, Sở Tư pháp thực hiện xây dựng, biên tập và đăng tải 162 infographic và 74 video về các chính sách mới có hiệu lực hằng tháng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các vấn đề xã hội quan tâm. Song song đó, trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình tiên tiến về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: “Tiếng loa biên phòng”, “Nông dân với pháp luật”, “Mô hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội”... đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp hướng dẫn, đôn đốc công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, đồng thời cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện rà soát và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đúng theo Thông tư số 10/2016/TT-BTP, ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, chú trọng là người dân tộc thiểu số, địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có 135 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 278 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.484 tuyên truyền viên.
Phát huy những kết quả tích cực đạt được năm qua, trong năm 2024, ngành Tư pháp tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 43/CT-TTg, ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và nâng cao chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài ra, ngành Tư pháp sẽ tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, triển khai tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng để người dân dễ tiếp cận. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý…