Kết quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2024
Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành kịp thời chương trình công tác của ngành để chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ TN&MT năm 2024 cho cấp huyện để định hướng, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình, dự án.
Các phòng, đơn vị trực thuộc Sở TN&MT chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Đến nay, ngành đã triển khai đầy đủ và hoàn thành theo kế hoạch các nhiệm vụ theo chương trình công tác đề ra. Ngoài ra, thực hiện kịp thời nhiều nhiệm vụ đột xuất ngoài chương trình công tác theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ TN&MT. Kịp thời kiện toàn tổ chức, nhân sự cho các phòng, đơn vị trực thuộc.
Tập trung triển khai các nguồn lực tài nguyên để phục vụ phát triển KTXH tỉnh, như: Thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 cho cấp huyện và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của 11/11 huyện, thị xã, thành phố; triển khai phương án điều tra, sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến 31/12/2025; tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai tỉnh năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành việc cấp bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản theo cơ chế đặc thù phục vụ các công trình cao tốc, với tổng trữ lượng 15,218 triệu m3 cát sông. Triển khai kế hoạch tổ chức khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đo đạc hiện trạng địa hình đáy sông, đánh giá trữ lượng đối với 5 khu mỏ và 2 dự án nạo vét để xem xét xử lý theo quy định. Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch khai thác chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 711/QĐ-TTg, ngày 24/7/2024.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, tổ chức kiểm kê tài nguyên nước (nguồn nước mặt nội tỉnh) trên địa bàn tỉnh. Phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, thí điểm 2 mô hình phận loại chất thải rắn tại nguồn tại TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc…
Sở TN&MT đã tập trung toàn lực để tham mưu ban hành kịp thời các văn bản triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh. An Giang là một trong 2 tỉnh (cùng với Hải Dương) đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương để triển khai thi hành Luật Đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đề xuất tháo gỡ các khó khăn để tạo môi trường thuận lợi cho cho nhà đầu tư và DN, góp phần thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến nay, tham gia tiếp và làm việc hơn 100 lượt DN để hỗ trợ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực TN&MT; đề xuất xử lý kịp thời các đề nghị nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Theo Sở TN&MT, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế liên quan công tác quản lý của ngành: Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn thủ tục hành chính còn cao, chủ yếu tại cấp huyện là 5.307 hồ sơ (chiếm 4,55%). Nguyên nhân, do phần mềm VBDLIS tạm dừng hoạt động, đội ngũ nhân sự, trang thiết bị phục vụ trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, do quá trình chuyển tiếp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 chưa có hướng dẫn kịp thời, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Nhất là áp lực về nguồn cát phục vụ các công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (thuộc cao tốc Bắc - Nam).
Năm 2025, ngành TN&MT tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác năm 2025 của Bộ TN&MT, UBND tỉnh và chương trình công tác của Sở TN&MT; xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề của ngành trong năm 2025. Thực hiện sáp nhập bộ máy tổ chức giữa Sở TN&MT và Sở Nông nghiệp và Phát triển thôn thôn theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Tập trung triển khai các quy định pháp luật mới của ngành: Luật Đất đai năm 2024, Luật Địa chất khoáng sản năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên, khoáng sản; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép tài nguyên (đất, cát, đá...). Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát công tác giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của người dân. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm; bổ sung nhân sự có đủ năng lực, trình độ chuyên môn cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính…