Kết quả sau 18 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số

Thực hiện Pháp lệnh Dân số, những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở Quảng Trị đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt. Nhiều chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Người cao tuổi được quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động nâng cao thể chất - Ảnh: N.T

Người cao tuổi được quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động nâng cao thể chất - Ảnh: N.T

Ngay sau khi Pháp lệnh Dân số có hiệu lực vào ngày 1/5/2003, cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số, UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân số từng giai đoạn cũng như đặc thù, điều kiện cụ thể của công tác dân số địa phương như: Chính sách khuyến khích, khen thưởng các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; chính sách hỗ trợ cộng tác viên dân số thôn, bản, khu phố, cụm dân cư; hỗ trợ kinh phí tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã khó khăn; chính sách miễn phí chi phí kỹ thuật thực hiện KHHGĐ cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số.

Các hoạt động tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ và Pháp lệnh Dân số như: Tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi tuyên truyền viên về DS-KHHGĐ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phát thanh qua hệ thống truyền thanh xã, phường, cung cấp các tài liệu truyền thông, sinh hoạt của câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại khóa trong các trường học...

Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính của Chính phủ, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân số qua từng thời kỳ. Đến nay, cấp tỉnh tiếp tục duy trì mô hình Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh trực thuộc Sở Y tế; cấp huyện thành lập phòng dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện; cấp xã, mỗi trạm y tế bố trí 1 viên chức dân số và có 1.460 cộng tác viên dân số/799 thôn, khu phố của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân số, ngoài ngân sách Trung ương hỗ trợ qua chương trình mục tiêu, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh tăng ngân sách địa phương đầu tư cho công tác dân số và đảm bảo thực hiện đồng bộ các hoạt động dân số của địa phương. Huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách cũng như xã hội hóa nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế, dân số từ tỉnh đến cơ sở.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết: “Để triển khai đồng bộ các hoạt động dân số trên tất cả các lĩnh vực quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số theo Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ngoài việc duy trì, điều chỉnh các chính sách trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện hoạt động nâng cao chất lượng dân số như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đồng thời, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và thực hiện tốt chính sách dân số tại cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số...”.

Sau hơn 18 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỉ suất sinh thô giảm từ trên 20%o (2003) xuống còn 14,3%o (năm 2020); số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ trên 3,42 con (năm 2009), xuống 2,43 con (năm 2020); tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức 1%; tỉ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 69% (2020); tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế và đang ở mức 110,1 trẻ trai/100 trẻ gái (2020); tỉ lệ thai phụ được sàng lọc đạt bình quân 24%/năm; tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt bình quân 20%/năm; tỉ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt trên 35% (2020).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Pháp lệnh Dân số ở Quảng Trị vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mức sinh vẫn còn cao, tổng tỉ suất sinh đang ở mức 2,43 con, kết quả giảm sinh chưa vững chắc và có nguy cơ tăng sinh trở lại (tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên những năm trở lại đây tăng hầu hết ở các địa phương).

Mặt khác, có sự khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh, mức sinh cũng có sự chênh lệch giữa thành thị (2,27 con) và nông thôn ( 2,53 con); cơ cấu dân số có nhiều thay đổi và chưa tận dụng được lợi thế cơ cấu dân số vàng, tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế nhưng thiếu tính ổn định; tuổi thọ bình quân ở mức 68,4 tuổi (2020), thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước…

Bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành DS - KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị trong thực hiện Pháp lệnh Dân số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đề án, mô hình về dân số cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động trên tất cả các lĩnh vực quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ và hiệu quả hoạt động kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ. Xã hội hóa trong hoạt động dân số, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân số. Đồng thời, đào tạo đội ngũ làm công tác DS - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp hóa. Qua đó, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159816&title=ket-qua-sau-18-nam-thuc-hien-phap-lenh-dan-so