Kết quả thanh tra việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại tại Bù Đăng

Ngày 11-11-2019, Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Giúp ký Thông báo số 168/TB-T.Tr về kết quả thanh tra việc tổ chức, triển khai thực hiện hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017 trên địa bàn huyện Bù Đăng, theo Kết luận số 361/KL-UBND ngày 22-10-2019 của UBND tỉnh. Tòa soạn trích đăng những nội dung chính của thông báo này.

>> Kết quả thanh tra việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại tại Bù Đăng (tiếp theo)
>> Ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng kiến nghị xử lý 106 vụ việc
>> Phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay
>> Tuyên truyền, phổ biến luật phòng, chống tham nhũng
>> Minh Long: Phát huy dân chủ qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân

Thông báo cho biết, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng đã tích cực chủ động lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phòng, ban liên quan trong việc hỗ trợ nông dân phòng trị sâu bệnh hại và chăm sóc vườn điều. Huyện ủy, UBND huyện đã thống nhất, trước mắt hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, thời gian tiếp theo sẽ thực hiện theo Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30-1-2018 của UBND tỉnh (hỗ trợ/đơn vị diện tích). Việc Huyện ủy, UBND huyện quyết định trước mắt hỗ trợ 500.000 đồng/hộ và sau đó tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 247 (2.000.000 đồng/ha) là do đứng trước nguy cơ sẽ mất mùa điều nếu không hỗ trợ kịp thời, đồng thời nguồn kinh phí không đủ cân đối theo Quyết định số 247 (vì thực tế nguồn dự phòng của huyện chỉ còn lại 3.173.000.000 đồng). Tuy nhiên, thực hiện hỗ trợ 500.000 đồng/hộ là chưa đúng với chủ trương của UBND tỉnh tại Quyết định số 247, nhưng phù hợp với tình hình cấp bách thực tế và nguồn ngân sách của địa phương.

Nông dân xã Thống Nhất (Bù Đăng) tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn điều - Ảnh:Anh Thắng

Quyết định số 247 của UBND tỉnh (do Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu UBND tỉnh ban hành), trong đó giao UBND huyện Bù Đăng sử dụng nguồn dự phòng năm 2017 của huyện (đã giao tại Quyết định số 1893/QĐ-UBND ngày 31-7-2017 của UBND tỉnh) để thực hiện hỗ trợ là không thực hiện được vì thời điểm 31-12-2017, nguồn dự phòng năm 2017 đã chuyển thành nguồn kết dư 2018 và để thực hiện việc hỗ trợ thì UBND huyện sử dụng nguồn dự phòng năm 2018 để chi hỗ trợ kịp niên vụ điều 2017-2018.

Ngay sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số thiếu sót, cụ thể: Việc triển khai thực hiện cấp bách trong thời gian ngắn (đợt 2) khiến UBND các xã gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo triển khai việc hỗ trợ 4 đối tượng được thụ hưởng trước tết Nguyên đán (ngày 5-2-2018 (tức 20 tết) có chủ trương, đến ngày 9-2-2018, UBND huyện phê duyệt dự toán, đồng thời chỉ đạo việc cấp phát kinh phí phải hoàn thành trước ngày 14-2-2018 (ngày 29 tết)). Trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện, UBND một số xã chưa chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương. Có địa phương chỉ triển khai mang tính hình thức, chưa quán triệt hết nội dung chương trình hỗ trợ dẫn đến ban quản lý thôn không nắm được tại sao huyện chỉ hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, trong khi chủ trương của tỉnh hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha, việc này dẫn đến thắc mắc và có dư luận không tốt trong nhân dân.

Trong công tác tổ chức thực hiện, UBND huyện Bù Đăng chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá thiệt hại để xét hỗ trợ. Vì thời gian ngắn, cấp bách nên việc rà soát, phúc tra các đối tượng thụ hưởng chưa chặt chẽ dẫn đến tăng, giảm đối tượng sau khi dự toán được phê duyệt. Công tác khảo sát, kê khai đánh giá diện tích thiệt hại của UBND huyện chưa đảm bảo thống nhất về mặt số liệu dẫn đến việc triển khai thực hiện tiếp theo gặp nhiều khó khăn khi cân đối kinh phí hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại. Cụ thể, ngày 2-10-2017, UBND huyện báo cáo có 5.647 hộ với diện tích 8.894,29 ha bị thiệt hại; ngày 30-10-2017, UBND huyện rà soát lại có 6.422 hộ với diện tích 16.650 ha và đến ngày 7-12-2017 thì tăng lên 6.456 hộ với 16.607,57 ha nhưng UBND huyện không báo cáo số liệu chênh lệch về Sở NN&PTNT để kịp thời điều chỉnh, lập dự trù tham mưu UBND tỉnh phê duyệt. Vì thế, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND chỉ giao kinh phí hỗ trợ cho 5.647 hộ với diện tích 8.894,29 ha.

Phòng NN&PTNT và Tổ phúc tra 1917 của huyện trong quá trình phúc tra, tổng hợp số liệu từ UBND các xã tham mưu UBND huyện phê duyệt danh sách chưa đúng, chưa đủ đối tượng (điển hình 269 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của xã Phú Sơn chưa được UBND huyện phê duyệt hỗ trợ).

Đối với việc hỗ trợ đợt 1: UBND huyện có chủ trương cấp tiền mặt cho các hộ nhưng phải cam kết mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để chăm sóc vườn điều, đa số các xã thực hiện cấp phát kinh phí tiền mặt theo chủ trương. Một số xã cấp phát thuốc bảo vệ thực vật là chưa đúng chủ trương của UBND huyện. Tuy nhiên, qua làm việc UBND các xã cho biết, xã chỉ đứng ra làm trung gian chi tiền hỗ trợ cho đơn vị cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho người dân nên UBND các xã lập chứng từ thanh quyết toán bằng danh sách ký nhận tiền chứ không phải chứng từ mua bán thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, mặc dù một số xã cấp phát thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng chủ trương nhưng khi làm việc với các hộ dân, tất cả các hộ đều nhận được thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ.

Đối với hỗ trợ đợt 2: Do thời gian tổ chức thực hiện gấp rút nên bên cạnh một số địa phương thực hiện tốt như UBND xã Minh Hưng thực hiện hỗ trợ bằng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện thủ tục mua sắm hàng hóa và chứng từ thanh quyết toán theo đúng thực tế của nghiệp vụ kế toán phát sinh. UBND xã Đức Liễu có thông báo chào hàng nhưng không có đơn vị nào tham gia, chứng từ thanh toán là danh sách các hộ dân ký nhận thuốc có giá trị tương ứng là 500.000 đồng/hộ. Còn lại một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật nhưng chứng từ thanh toán lại là danh sách có ký tên nhận tiền mặt là chưa đúng thực tế nghiệp vụ kế toán phát sinh được quy định tại Điều 5, Luật Kế toán. Đồng thời, khi thực hiện mua thuốc bảo vệ thực vật cần phải lập thủ tục chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh theo đúng quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 26-3-2016 về quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước. Qua giải trình, UBND các xã cho biết: Do thời gian ngắn nên UBND xã đứng ra làm trung gian liên hệ với cửa hàng thuốc để các đơn vị cung cấp thuốc cho các đối tượng được thụ hưởng. Sau đó, UBND xã thanh toán tiền cho đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, UBND các xã không trực tiếp mua sắm hàng hóa nên không lập thủ tục mua sắm hàng hóa theo quy định.

Công tác xét duyệt tại UBND các xã: Do niên vụ 2016-2017 đã qua nên việc điều tra, thống kê chủ yếu dựa vào việc tự kê khai của người dân, do đó việc thống kê chưa đảm bảo tính chính xác. UBND các xã đều thành lập tổ phúc tra nhưng việc phúc tra chưa đảm bảo đúng quy trình dẫn đến một số hộ kê khai không đúng diện tích, năng suất, không có điều nhưng vẫn kê khai, một số hộ dân do đi làm ăn xa chưa thực hiện được việc kê khai kịp thời nên nhiều hộ chưa được hỗ trợ. Một số xã chưa kịp thời điều chỉnh tăng, giảm đối tượng dẫn đến một số hộ đến thời điểm thanh tra vẫn chưa nhận được hỗ trợ (thị trấn Đức Phong, xã Minh Hưng, xã Bình Minh). UBND xã Nghĩa Bình, UBND thị trấn Đức Phong khi thực hiện phúc tra chưa đảm bảo, tổ chức kiểm tra, rà soát chưa chặt chẽ dẫn đến sau khi có quyết định giao kinh phí, mới phát hiện một số hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ; tuy nhiên, sau khi phát hiện không đúng đối tượng, UBND xã không cấp phát kinh phí cho các hộ này.

Công tác kiểm tra, giám sát của UBND các xã chưa đảm bảo dẫn đến còn nhiều hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được nhận hỗ trợ kịp thời (xã Thống Nhất sau thời điểm cấp phát còn 24 hộ chưa nhận hỗ trợ nên tồn lại 24 phần thuốc bảo vệ thực vật; xã Đường 10 đang còn tồn 30 phần thuốc chưa cấp phát).

Đối với một số xã đã thực hiện rút tạm ứng nhưng do phát sinh giảm đối tượng hỗ trợ cần hoàn trả lại số tiền đã tạm ứng theo đúng số tiền thực tế đã cấp phát. Cụ thể, thị trấn Đức Phong 6.000.000 đồng, xã Thống Nhất 8.500.000 đồng.

T.Tr

>> Xem xét lại vụ án của Vũ Minh Tâm
>> Ý kiến người dân: Thêm giải pháp ngăn chặn tiêu cực
>> Phòng, chống tham nhũng: “Lò đang nóng”
>> Phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong lực lượng chức năng
>> Đồng ý cho ông Kiều Quang Hồng thôi việc

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ket-qua-thanh-tra-viec-ho-tro-nong-dan-trong-dieu-bi-sau-benh-hai-tai-bu-dang-272816