Kết quả thi THPT Quốc gia 2019: 'Chẩn bệnh' tiếng Anh áp chót
Cùng với Lịch sử, tiếng Anh là hai môn học ở top cuối của 9 môn thi THPT Quốc gia 2019. Vấn đề ở chỗ, từ trước đến nay, vị trí này chưa bao giờ thay đổi.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong khi các môn thi khác (trừ môn Ngữ văn), phổ điểm đều có xu hướng lệch phải thì riêng hai môn Ngoại ngữ và Lịch sử lại lệch trái. Điểm trung bình của hai môn thi này cũng rất thấp. Môn tiếng Anh là 4,36, thấp thứ hai, sau môn Lịch sử 4,30. Không những thế, môn tiếng Anh cũng có tới trên 68% thí sinh đạt điểm thi dưới trung bình (chính vì vậy nên phổ điểm mới lệch trái).
TS Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khảo thí ngoại ngữ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết “phổ điểm môn tiếng Anh năm 2019 cho thấy môn tiếng Anh vẫn là một môn học khó đối với học sinh cả nước. So sánh đề thi hai năm 2018 và 2019, kết quả điểm thi môn tiếng Anh 2019 như vậy không có gì bất ngờ.” Theo TS Vũ Thị Phương Anh, phổ điểm đã phản ánh đúng thực trạng năng lực tiếng Anh của học sinh.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay trên cả nước, đa số học sinh đang học chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm (bắt đầu học từ lớp 6 đến lớp 12), số học sinh được học chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm (bắt đầu học từ lớp 3 đến lớp 12) chỉ đạt trên 10% số học sinh cả nước. Bộ GD&ĐT cũng cho biết so với học sinh học tiếng Anh theo Chương trình môn tiếng Anh hệ 7 năm, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh học Chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm cao hơn khoảng 2 điểm.
Điểm môn tiếng Anh chưa cao cũng thể hiện sự chênh lệch rõ rệt giữa năng lực tiếng Anh của học sinh tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng so với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sự chênh lệch có những nơi lên tới trên 1 điểm. Điểm thi môn tiếng Anh cho thấy cần quan tâm hơn nữa tới môn học này để đảm bảo các khu vực nông thôn, miền núi có điều kiện và cơ hội học tiếng Anh tốt hơn.
Theo phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT hiện nay, mỗi tuần học sinh lớp 12 chỉ học 3 tiết tiếng Anh trong trường THPT. Nhưng nhận định của các giáo viên thì chương trình, sách giáo khoa hiện hành tồn tại nhiều bất cập và rất lạc hậu.
Sĩ số quá đông, chương trình quá dài với nhiều kiến thức ngữ pháp hàn lâm, trong khi thời lượng 3 tiết/tuần là quá ít. Chính điều đó, khiến giáo viên không thể tương tác với học sinh, học sinh không được tương tác với nhau nên môn học này đang được đào tạo “tĩnh” trong nhà trường, thiếu tính trao đổi.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong Chương trình Phổ thông mới, một trong những mục tiêu quan trọng của môn tiếng Anh là hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời giúp người học phát triển đều kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm do cách tính 70-30
Theo số liệu của các địa phương, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm nay giảm hơn năm trước. Có địa phương giảm 1% nhưng cũng có nơi giảm đến 26%, thậm chí có trường chỉ được khoảng 53% học sinh đỗ tốt nghiệp. Theo các chuyên gia, việc quy định tỷ lệ xét tốt nghiệp 70-30 đã dẫn đến tình trạng này.
Ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của địa phương năm nay 97,87%, thấp hơn năm trước gần 1%. Với kết quả thi xếp thứ 3 toàn quốc, ông Kiểm cho rằng, địa phương giữ ổn định về chất lượng dạy học nên kết quả không có nhiều thay đổi dù cách tính điểm tốt nghiệp THPT quốc gia có thay đổi.
Trong khi đó báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho thấy, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 giảm hơn năm trước lên tới 25,32%. Theo đó, năm 2018 có 97,29% học sinh đỗ tốt nghiệp thì năm nay chỉ có 71,97. Hà Giang, nếu năm 2018 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp gần 89% thì năm nay chỉ còn gần 72% học sinh đỗ tốt nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk năm nay cũng chỉ có 88,87% đỗ tốt nghiệp. Con số này giảm hơn năm trước khá nhiều (96,37%). Hay như tỉnh Nghệ An năm nay có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cũng giảm nhẹ so với năm trước khoảng 2,7%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của tỉnh Đồng Nai năm nay là 92,77%, giảm gần 5% so với năm trước.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của trường năm nay 97% (năm 2018 là 99%). Tuy giảm nhẹ 2%, nhưng theo thầy Lâm, con số này cũng như số học sinh trượt tốt nghiệp ở các địa phương đã phản ánh đúng thực chất, trình độ học sinh.
Ông Lâm lý giải, một số địa phương năm nay có tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp cao là do cách làm, tổ chức thi thay đổi. “Nếu năm trước có gian lận có nghĩa là có sự xuê xoa, bao biện cho nhau thì năm nay đã chặn hết các con đường nên lộ ra kết quả thực. Ở những trường học sinh không đầu tư học tập thì kết quả 47% học sinh trượt tốt nghiệp cũng không lạ”, ông Lâm nói.
Giáo viên một trường THPT Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay giảm hơn một chút chủ yếu là do cách tính 70-30. Cũng theo giáo viên này, trên thực tế, khi học đến THPT, học sinh có tâm lý học chuyên sâu khối ngành và học đối phó ở các môn khác với mục tiêu đỗ tốt nghiệp là điều dễ hiểu. Vì nếu học tràn lan, thí sinh sẽ khó đủ sức để giành điểm cao ở khối ngành xét tuyển.
Trước những băn khoăn của giáo viên về Chương trình và SGK môn tiếng Anh hiện còn nặng kiến thức hàn lâm và ngữ pháp, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay, ngữ pháp, từ vựng và các chủ đề trong chương trình môn tiếng Anh mới sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp thực tiễn. Từ đó, học sinh dễ vận dụng vào các tình huống trong học tập các môn khác và trong cuộc sống.