Kết quả thực tế của nguồn lực xã hội hóa trong phát triển giáo dục
Chính phủ báo cáo vai trò, kết quả thực tế của nguồn lực xã hội hóa trong phát triển giáo dục thời gian qua, ở các bậc học tiểu học, THCS, THPT.
Nội dung này nằm trong báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực GD-ĐT.
Các địa phương đã triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển GD-ĐT như:
Thực hiện chính sách xã hội hóa đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao; thực hiện bố trí quỹ đất dành cho giáo dục theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.
Các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về giáo dục tư thục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như.
Cụ thể, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; thu hút nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nước ngoài; phối hợp với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ đối với giáo dục tư thục; nhằm giảm áp lực trường lớp hệ thống trường công lập, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở cấp mầm non.
Một số địa phương đã ban hành các chính sách ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, các quỹ học bổng và các giải thưởng lớn cho học sinh, sinh viên.
Huy động nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế vào GD&ĐT cũng được địa phương quan tâm.
Một số tỉnh đã xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non như miễn thuế đất, cho thuê đất với mức chi phí thấp; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào; hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt; hỗ trợ lãi suất vay thương mại với mức tối đa bằng phần chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế.
Triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều trường đại học thực hiện tự chủ toàn diện đã chủ động tận dụng được lợi thế trong huy động nguồn lực từ xã hội, đa dạng hóa nguồn thu phục vụ phát triển nhà trường thông qua các dịch vụ đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao và có tính hội nhập; tăng tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.
Các trường cũng chủ động xây dựng kế hoạch tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.