Kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020 với chủ đề 'Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm', trong đó hơn một nửa thời gian đầu diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch COVID-19, vì vậy việc triển khai các hoạt động gặp không ít khó khăn.
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một nhà hàng ở TP Sầm Sơn.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng của cộng đồng và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Trong dịp Tháng hành động năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện đa dạng các hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19; 8/27 huyện, thị xã, thành phố, 134/559 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động năm 2020. Văn phòng Điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh in, cấp phát 390 băng zôn cho 27 huyện, thị xã, thành phố; treo 150 phướn tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên các trục đường chính tại TP Thanh Hóa; tuyên truyền trên màn hình Led tại Quảng trường Lam Sơn; tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe ô tô tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức 1 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho 60 học viên là cán bộ, công chức, viên chức của 30 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm...
Tại cấp huyện, xã đã tổ chức 58 buổi nói chuyện, hội thảo cho hơn 500 người; 23 lớp tập huấn cho các hội viên, đoàn viên các tổ chức đoàn thể và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; đăng tải hơn 3.400 tin, bài trên các phương tiện truyền thông địa phương để thông tin, tuyên truyền về các hoạt động triển khai Tháng hành động trên địa bàn; tổ chức phát thanh 2 lần/tuần trên hệ thống đài phát thanh huyện, xã; riêng TP Thanh Hóa phát thanh 2 lần/ngày; in và cấp phát gần 1.000 băng zôn, khẩu hiệu treo trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư...
Trong Tháng hành động năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập 305 đoàn kiểm tra, trong đó có 5 đoàn cấp tỉnh, 16 đoàn cấp huyện, 303 đoàn cấp xã tiến hành kiểm tra 4.958 cơ sở thực phẩm, phát hiện 82 cơ sở vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm, chiếm 1,7% (tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm 1/4 lần so với Tháng hành động năm 2019). Trong đó phạt tiền 19 cơ sở với số tiền 29.900.000 đồng, nhắc nhở 67 cơ sở, chiếm 78% số cơ sở vi phạm; các đoàn đã tiến hành tiêu hủy 18 sản phẩm bánh, kẹo, bột canh, bột mỳ... hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các nội dung vi phạm chủ yếu là: Điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ không đạt yêu cầu; bảo quản thực phẩm, thực hành an toàn thực phẩm không đúng quy định; kinh doanh thực phẩm hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ...
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh 1.073 mẫu thực phẩm để phát hiện các chỉ tiêu: Methanol trong rượu; hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; độ ôi khét trong dầu mỡ; hàn the trong giò; phoóc môn trong bún, bánh phở; tinh bột, dầu mỡ trong bát đĩa... kết quả có 1.045 mẫu đạt yêu cầu, chiếm 98,6%; xét nghiệm tại labo 28 mẫu, có 21 mẫu đạt yêu cầu, chiếm 75%. Trong Tháng hành động năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Ông Hà Văn Giáp, Phó chánh Văn phòng Điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Đạt được kết quả đó trước hết là do có sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đối với các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tháng hành động năm 2020. Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai quyết liệt, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số địa phương chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, chưa phong phú. Trình độ, năng lực quản lý về an toàn thực phẩm của cán bộ cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; phương tiện, thiết bị kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại labo ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đầu tư gây khó khăn trong việc lấy mẫu, kiểm nghiệm mẫu phục vụ hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; chưa có biện pháp xử lý đối với cơ sở có mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở cấp xã chưa quyết liệt, thường không áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, chỉ nhắc nhở... Đây là những tồn tại cần khắc phục, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.