Kết quả từ triển khai các giải pháp quản lý thu thuế

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023, các phòng, chi cục trực thuộc Cục Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thu, góp phần chống thất thu thuế.

Đồng chí Nguyễn Hùng Trai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thành phố Trà Vinh - Châu Thành: quan tâm chống thất thu thuế hộ kinh doanh

Công tác chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn, Chi cục Thuế khu vực xây dựng các giải pháp chỉ đạo các bộ phận có liên quan quản lý chống thất thu. Đối với bộ phận kê khai thống kê số hộ kinh doanh có doanh thu lớn từ việc mua hóa đơn lẻ từng lần phát sinh chuyển Đội thuế để theo dõi, điều tra hiệp thương doanh thu khi lập bộ tính thuế đầu năm.

Trong quản lý hộ kinh doanh, Chi cục Thuế khu vực chỉ đạo Đội Thuế thường xuyên tham mưu và phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế các phường, xã theo dõi địa bàn, rà soát, đối chiếu số hộ đang kinh doanh để đưa vào quản lý cấp mã số thuế. Đối với hộ chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hướng dẫn hộ để lập thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định, góp phần chống thất thu về hộ, về thuế.

Năm 2023, đã phát sinh tăng 712 hộ, trong này có 357 hộ thuộc diện không phải nộp thuế; 355 hộ thuộc diện phải nộp thuế, số tiền thuế lập bộ tăng gần 218 triệu đồng. Cùng với đó, số hộ kinh doanh đã tạm nghỉ hoặc nghỉ hẳn khá cao. Số hộ kinh doanh đang quản lý thuế tại thời điểm tháng 12/2023 là 3.613 hộ, trong này hộ thuộc diện không nộp thuế 1.236 hộ; hộ thuộc diện nộp thuế 2.377 hộ. Đến ngày 31/12/2023, số thu thuế đối với quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố gần 37,8 tỷ đồng, đạt 117,99% dự toán pháp lệnh, so cùng kỳ tăng 19,77%, góp phần cùng đơn vị thu thuế đạt 325 tỷ đồng, đạt 110,17% dự toán pháp lệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Duyên Hải: cài đặt ứng dụng eTax Mobile tác động đến tiến độ nộp thuế

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tăng cường cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế, góp phần thực hiện mục tiêu “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025” và “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chi cục Thuế tuyên truyền, phổ biến các tiện ích của ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile trên thiết bị di động bằng hình thức gởi thư ngỏ 2.237 tờ đến các tổ chức, cá nhân để hướng dẫn thủ tục đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt ứng dụng thuế điện tử nhằm mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử đối với người nộp thuế là cá nhân trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Thuế.

Đến nay, đã đăng ký được 4.871/3.728 tài khoản đạt 130,7% kế hoạch, trong đó hộ khoán thuế 1.523/1.524 tài khoản, đạt 99,9%; hộ kê khai 33/33 tài khoản, đạt 100% và cá nhân làm công ăn lương 3.315/2.154 tài khoản, đạt 153,9%; địa bàn thị xã có 98% đơn vị, tổ chức cài đặt; riêng các trường học đã cài đặt 100%. Đã kết nối với ngân hàng 224 tài khoản với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước gần 1,3 tỷ đồng bằng 845 lượt nộp. Hiện Chi cục thuế khu vực đang tiếp tục kết hợp với các tổ chức tín dụng trực tiếp đến địa bàn xã, phường, thị trấn để vận động người nộp thuế mởi tài khoản và kết nối với tài khoản ngân hàng để phục vụ việc nộp thuế điện tử, đặc biệt là nộp lệ phí trước bạ trong tháng 01/2024.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Chi cục Thuế tiếp tục hướng dẫn cài đặt ứng dụng eTax Mobile tại cơ quan thuế khi người nộp thuế đến liên hệ làm việc; đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương cài đặt ứng dụng, kết nối với tài khoản ngân hàng và kết hợp với chuẩn hóa mã số thuế. Kết hợp với Ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu vận động người nộp thuế mở tài khoản ngân hàng để kết nối tài khoản ngân hàng trên ứng dụng. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin để kịp thời chuẩn hóa dữ liệu về thông tin người nộp thuế cho đồng bộ giữa cơ quan Thuế và ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nộp thuế trên ứng dụng eTax Mobile khi có phát sinh số thuế phải nộp.

Bên cạnh, để đảm bảo tất cả hộ kinh doanh có trong danh bạ người nộp thuế, cá nhân có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công… được cấp tài khoản giao dịch điện tử, Chi cục Thuế rà soát, chuẩn hóa các dữ liệu về nghĩa vụ thuế để đảm bảo đầy đủ, chính xác trước khi công khai dữ liệu phục vụ người nộp thuế, kịp thời giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế trong quá trình sử dụng ứng dụng eTax Mobile.

Đồng chí Nguyễn Tấn Luông, Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế thuộc Cục Thuế: công bằng trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế

Để hoàn thành dự toán thu, trong đó, công tác quản lý nợ và đôn đốc thu hồi nợ thuế đã được lãnh đạo Cục Thuế quan tâm chỉ đạo, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài, quản lý chặt chẽ các khoản nợ khó thu theo quy định.

Trong năm, Cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo và điều hành đôn đốc thu tiền thuế nợ và đã thu nợ phát sinh trên 1.625 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh giảm nợ gần 538,4 triệu đồng; thu nợ năm 2022 chuyển sang gần 70 tỷ đồng, đạt 62,68%. Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cho 03 người nộp thuế với số tiền 33 triệu đồng và ban hành 530 quyết định khoanh nợ theo Luật Quản lý thuế cho 530 người nộp thuế với số tiền gần 8,6 tỷ đồng. Gửi văn bản, hồ sơ về cơ quan Thuế tại trụ sở chính để đề nghị cưỡng chế hóa đơn đối với 02 người nộp thuế ngoài tỉnh đã thực hiện cưỡng chế hóa đơn nhưng chưa thu được tiền thuế nợ và áp dụng biện pháp thông báo tạm dừng xuất cảnh 01 chủ doanh nghiệp có số thuế nợ trên 100 triệu đồng.

Mặc dù Cục Thuế đã tăng cường công tác đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ nhưng số nợ vẫn tăng 170,23% so với năm 2022. Tổng nợ đến ngày 31/12/2023 gần 236 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu trên 132,7 tỷ đồng; nợ khó thu gần 103 tỷ đồng. Tuy tỷ lệ nợ thuế đạt chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao nhưng tổng thể nợ tăng cao so năm 2022 (vượt 70,23%), chỉ tiêu thu nợ có khả năng thu không hoàn thành (chỉ đạt 56,30%), nợ khó thu tăng 376,89%. Nguyên nhân do nợ thuế của một số doanh nghiệp phát sinh rủi ro cao.

Năm 2023, Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế đã xác minh tại địa phương đối với các doanh nghiệp có số nợ thuế khó thu lớn xác định tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để thực hiện các bước quản lý theo quy trình quản lý nợ thuế. Tuy nhiên, công tác quản lý thu nợ khó thu trong năm mang lại hiệu quả chưa cao, nguyên nhân là do phần lớn chủ doanh nghiệp thuộc đối tượng này không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp còn ở địa phương nhưng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ thuế (qua xác minh 13 doanh nghiệp), nên khó thu hồi nợ thuế.

Để công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ năm 2024 đạt hiệu quả, Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng từng tháng, từng quý đến từng công chức thuế và thực hiện rà soát phân loại nợ kịp thời, chính xác, đúng quy định;

Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ đối với các khoản nợ mới phát sinh, nợ hết thời gian gia hạn để áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy định. Phân loại tiền thuế nợ, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế. Khoanh nợ tiền thuế đối với người nộp thuế đủ hồ sơ theo quy định. Công khai thông tin người nợ thuế qua website Cục Thuế. Đối với nợ khó thu, tiếp tục rà soát tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/ket-qua-tu-trien-khai-cac-giai-phap-quan-ly-thu-thue-34371.html