Kết tâm tình vào từng cánh hoa giấy

Bên thềm nhà phảng phất hương xuân, có ông lão cặm cụi kết những tâm tình vào từng cánh hoa giấy. Cuộc sống với biết bao điều thay đổi, nhưng với ông Nguyễn Hóa, gạo cội của nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn 'ngồi lại' để giữ nghề của cha ông.

Vợ chồng ông Hóa bền bỉ giữ nghề

Vợ chồng ông Hóa bền bỉ giữ nghề

Gìn giữ nghề xưa

Thôn Thanh Tiên nổi tiếng với nghề làm hoa giấy ngày xưa, sau sáp nhập, trở thành thôn Thanh Vinh thuộc xã Phú Mậu. Bây giờ, khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thôn Thanh Vinh lại thuộc phường Dương Nỗ. Dù tên gọi có đổi thay theo địa giới hành chính và cuộc sống biết bao điều thay đổi, nhưng nghề làm hoa giấy vẫn “ở lại” với những người yêu nghề.

“Tổ tiên tôi hàng trăm năm trước đã theo nghề làm hoa giấy. Từ khi có ký ức, tôi đã thấy ông cố mình ngồi làm hoa. Ông nội tôi, cha tôi, rồi đến tôi, con trai tôi đều theo nghề của ông cha”. Ông Hóa nói, bây giờ hoa giấy không chỉ “nở” vào dịp cuối năm mà đã có một đời sống khác phong phú hơn, khi nhiều người thích sự hoài cổ đã chọn hoa giấy để trang trí không gian sống. Nhờ thế mà những người làm hoa giấy như ông Hóa không chỉ nhân lên niềm vui vì giữ được nghề của tổ tiên, mà cũng hạnh phúc vì sống được với nghề.

Ông Nguyễn Hóa (64 tuổi) bắt đầu câu chuyện khi tay vẫn đang tỉ mẩn tạo từng nếp gấp trên những cánh hoa. Người dân thôn Thanh Tiên không ai biết nghề hoa giấy làng mình có từ đời nào. Chỉ biết rằng, cứ độ cuối năm, khi những cơn mưa mang theo cái lạnh kéo về làng, thì nhà nhà bắt đầu bận rộn làm hoa giấy. Hiên nhà ai thuở ấy cũng rực rỡ sắc hoa. Hoa giấy làm xong được cắm trên cây chông kết bằng rơm rạ, từ đó theo bước chân người làng tỏa đi khắp nơi.

Người Huế có phong tục thờ cúng hoa giấy trên các trang thờ trong nhà. Ngày 23 tháng Chạp, hoa giấy được kính cẩn đặt lên trang ông, trang bà, trang bếp. Những đóa hoa sẽ khoe sắc suốt một năm dài cho đến ngày 23 Tết năm sau lại được hạ xuống và thay mới.

Ngày xưa giấy làm hoa được người làng nhuộm màu thủ công, bây giờ thì được thay bằng giấy thủ công có sẵn. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị tinh tươm, người làm hoa dùng đục để chắn cánh hoa, sau đó lấy dây thép để tạo nếp nhăn cho cánh. Mỗi loại hoa có một kiểu nếp nhăn riêng. Sau khi cuốn nhụy thì dùng hồ kết từng cánh hoa lại thành bông. Hoa mai, hoa lan, hoa hướng dương, hoa sứ, hoa hồng…, cứ thế “nở” rộ.

“Nghề này chủ yếu lấy công làm lãi. Một người làm suốt cả ngày chỉ được tầm 30 bông. Mỗi bông bán được 10 nghìn đồng, trừ các chi phí thì ngày công chưa đến 200.000 đồng”. Thu nhập không cao, nên nhiều gia đình dần bỏ nghề. Bây giờ, làng Thanh Tiên cũ chỉ còn gia đình ông Hóa và tầm trên dưới chục gia đình nữa, tiếp tục giữ nghề xưa. Để khi Tết đến xuân về, những đóa hoa giấy từ làng lại tỏa đi muôn nẻo.

 Những bông hoa giấy "nở" rộ

Những bông hoa giấy "nở" rộ

Lan tỏa

Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên, trước năm 2000 đã mai một nhiều. Song, nhờ tình yêu và quyết tâm giữ nghề của những người như ông Hóa; đặc biệt, nhờ các kỳ festival, các làng nghề truyền thống được tỉnh (nay là TP. Huế) quan tâm, nên dần vực dậy. Hoa giấy bây giờ không chỉ còn hiện diện trên mỗi trang thờ nhiều như ngày trước, mà đã du nhập vào cuộc sống thường nhật. Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên giờ cũng rộn ràng hơn khi trở thành một địa chỉ trong bản đồ du lịch trải nghiệm của Huế, rộn rã khoe sắc quanh năm.

“Bây giờ gia đình tôi làm hoa giấy quanh năm, thu nhập so với trước cũng tăng lên gấp mấy lần. Nếu trước đây mỗi năm chỉ làm tầm vài ngàn bông, thì bây giờ đã tăng lên mấy chục ngàn bông” - ông Hóa hồ hởi.

Theo ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND phường Dương Nỗ: Ông Hóa là một trong số những người dành nhiều tâm huyết với nghề hoa giấy, cũng là người tiên phong trong việc phát triển du lịch trải nghiệm làm hoa giấy ở địa phương.

Năm 2013, ông Hóa là người đầu tiên trong làng mạnh dạn dựng tấm bảng lớn “Điểm trải nghiệm làm hoa giấy Nguyễn Hóa” ngay đầu ngõ. Nhờ sự mạnh dạn ấy mà nhiều năm qua, suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, điểm du lịch trải nghiệm làm hoa giấy của gia đình ông Hóa lúc nào cũng tấp nập khách. Không chỉ đón khách du lịch trong và ngoài nước (khách lẻ và khách đoàn), nhiều trường học cũng đưa học sinh về đây trải nghiệm làm hoa. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông Hóa đón khoảng 300 lượt khách du lịch và tầm 1.000 học sinh đến trải nghiệm làm hoa giấy. Nhiều trường mầm non còn mời ông Hóa đến để hướng dẫn cho các bé trải nghiệm làm hoa giấy.

Những lúc ngồi hướng dẫn cho khách du lịch hay các em học sinh cách làm hoa, ông Hóa luôn nở nụ cười hạnh phúc. Bởi, lan tỏa tình yêu hoa giấy đến với mọi người cũng là cách ông gìn giữ và trao truyền lại tình yêu với nghề xưa của cha ông mình.

Khi chúng tôi chào tạm biệt, cũng là lúc đoàn khách du lịch dừng bước trước ngõ nhà ông Hóa. Hình ảnh người đàn ông tóc bạc cặm cụi kết những tâm tình vào từng bông hoa giấy, được lưu lại trong ống kính máy ảnh, là cách du khách thích thú lưu giữ nét riêng độc đáo của một làng nghề xứ Huế lắng sâu.

Bài, ảnh: Hà Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/ket-tam-tinh-vao-tung-canh-hoa-giay-150039.html