Kết thúc đợt tiêm vắc-xin thứ 4, TP HCM sẽ đạt 6% độ phủ vắc-xin trong cộng đồng
Trưa 21-6, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, chiều nay TP sẽ chính thức tiêm đại trà cho cộng đồng.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP vinh dự và hết sức trách nhiệm khi được Chính phủ giao triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 quy mô lớn.
Trong số lượng 1 triệu liều vắc-xin thì Chính phủ đã điều vào TP HCM 836.000 liều, trong đó 30.000 liều chuyển giao Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam để tiêm ngừa cho lực lượng vũ trang. 20.000 liều chuyển giao cho lực lượng công an, trong đó 18.000 liều cho Công an TP HCM, 2000 liều cho lực lượng của Bộ Công an đóng trên địa bàn TP.
TP HCM sẽ tiêm hết 804.000 liều vắc-xin trong đợt này. Chiến dịch đã được khởi động thử nghiệm từ thứ 7 tuần trước.
Theo ông Dương Anh Đức, đến sáng nay TP đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị và chiều nay chính thức triển khai tiêm ngừa đại trà cho mọi người. "Kế hoạch tiêm sẽ được triển khai rốt ráo trong tuần này, tổng cộng là 5 ngày và có 1,5 ngày để tiêm vét" - ông Đức cho biết.
Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết đợt này có số lượng tiêm nhiều nhất với 944.000 liều.
TP HCM sẽ cần 14 triệu liều vắc-xin nếu tiêm đủ 2 mũi. Sau khi tiêm hết đợt 4, TP HCM sẽ đạt 6% độ phủ vắc-xin trong cộng đồng. TP đang tiếp tục nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin, phấn đấu đến cuối năm nay đạt tỉ lệ 2/3 người dân tại TP được tiêm vắc-xin Covid-19.
Về nguồn vắc-xin sản xuất trong nước, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết là rất khả quan. Dự kiến trong năm 2022 sẽ có vắc-xin Covid-19 sản xuất tại Việt Nam để tiêm cho người dân trong nước.
Nói về việc TP HCM triển khai tiêm vắc-xin đại trà khi đang thực hiện Chỉ thị 10, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết khi tổ chức chiến dịch với quy mô lớn như hiện tại thì an toàn là một trong những yếu tố quan trọng nhất, lịch tiêm sẽ thực hiện theo cách thức cuốn chiếu. TP rất mong nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của người dân để đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tiêm vắc-xin Covid-19.
Để đảm bảo an toàn cho việc tiêm chủng, Sở Y tế đã bố trí 946 đội tiêm và 59 đội dự phòng. Các đội tiêm đã được Bộ Y tế tập huấn về công tác an toàn tiêm chủng.
Ngành Y tế TP HCM cũng đã tập huấn 4.000 đoàn viên thanh niên tham gia chiến dịch để hướng dẫn, sắp xếp cho người tiêm chủng để thực hiện giãn cách đảm bảo trật tự, và an toàn phòng chống dịch.
Một điểm tiêm chủng sẽ có 5 nhân sự: 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 bác sĩ theo dõi cấp cứu, 2 điều dưỡng tiêm, 1 điều dưỡng phụ bác sĩ cấp cứu theo dõi sau tiêm. Ngoài ra, TP còn chuẩn bị đội xe cấp cứu có mặt từ 2-3 phút sau khi xảy ra sự cố để xử lý kịp thời.
TP HCM đặt mục tiêu mua 5-10 triệu liều vắc-xin trong năm 2021
Ông Dương Anh Đức cho hay TP HCM đang có hai nguồn cung vắc-xin do Chính phủ phân bổ và TP chủ động mua.
Số vắc-xin được Chính phủ phân bổ, đến nay TP HCM đã qua 4 đợt tiếp nhận với 944.000 liều. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận được khoảng hơn 100 triệu liều. TP HCM có quy mô dân số chiếm 10% cả nước, nếu được phân bổ lượng vắc-xin bằng tỉ lệ dân số thì TP sẽ nhận khoảng 10 triệu liều - đảm bảo đủ mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số ở độ tuổi 18-65.
Ngoài ra, TP HCM cũng đang chủ động đàm phán mua vắc-xin, mục tiêu là 5-10 triệu liều trong năm nay.
Về việc triển khai tiêm chủng đợt này, TP HCM sẽ thực nghiêm theo chỉ thị của Chính phủ về đối tượng ưu tiên. Trong đó, TP sẽ tiêm vắc-xin cho 280.000 công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp; khoảng 40.000 công nhân trong khu công nghệ cao; khoảng 20.000 người trong khu công viên phần mềm Quang Trung.