Kết tinh của lòng yêu nước và sức mạnh, trí tuệ phụ nữ Việt Nam
1.980 năm qua, Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà (năm 40 - 43 sau Công nguyên) đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn qua các thời kỳ. Ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ công việc nào, người phụ nữ đều hoàn thành nhiệm vụ với sức bền bỉ, dẻo dai, sự sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta, thể hiện ý chí, tinh thần của người Việt Nam: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.
Trong gần 2.000 năm qua, phụ nữ Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của Hai Bà Trưng, có những cống hiến to lớn rất đáng tự hào vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước mà những tấm gương tiêu biểu được nhân dân ta muôn đời lưu danh, khắc ghi công ơn như Bà Triệu, Nguyên Phi Ỷ Lan, công chúa Huyền Trân, nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Ðịnh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các nữ anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì nước.
Kể từ khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa cho đến thời đại Hồ Chí Minh, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã viết tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống con cháu Hai Bà Trưng. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào qua các thời kỳ, biết bao anh hùng liệt nữ tài giỏi đã dũng cảm trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước được lịch sử vinh danh, trở thành niềm tự hào to lớn của cả dân tộc.
Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, những cuộc đấu tranh chính trị trực diện của “đội quân tóc dài” khởi nguồn từ quê hương Ðồng Khởi, Bến Tre gắn với tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh diễn ra ở khắp nơi. Tại các đô thị miền Nam, lực lượng đấu tranh của “đội quân tóc dài” bao gồm hàng vạn phụ nữ công nhân, tiểu thương, nữ tu, Phật tử, giáo chức, trí thức... luôn phối hợp với phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng ven các tỉnh Tây Nguyên, xuống đường đấu tranh chống địch phản kích, chống bắn phá bừa bãi, chống giết người, cướp của, cứu tế nạn nhân. Trong phong trào Ðồng Khởi năm 1960, đã có gần 1 triệu lượt phụ nữ đấu tranh trực diện kết hợp với lực lượng vũ trang, góp phần làm tan rã trên 20.000 binh lính và dân vệ, phá kìm kẹp ở 895/1.193 xã ở miền Nam. Cùng với đấu tranh chính trị, các chị em đã có mặt trong các đơn vị thuộc nhiều binh chủng, trực tiếp tham gia tấn công vào các sào huyệt của địch, giáng cho kẻ thù những đòn bất ngờ.
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, khả năng, sức sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học giỏi, nhà quản lý… năng động, đảm đương tốt thiên chức của người mẹ, người vợ, người con đối với gia đình. Ðất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống của Hai Bà Trưng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Các loại hình tổ chức phụ nữ theo đơn vị hành chính ở địa bàn khu dân cư, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nghề nghiệp thu hút chị em tham gia sinh hoạt. Ở các địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo nhằm hỗ trợ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.