Kết tinh từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Theo truyền thuyết, ngay khi chia các con của mình lên rừng và xuống biển, cha Lạc Long Quân dặn rằng khi nào có việc gọi cha, cha sẽ trở về. Việt Nam là quốc gia thống nhất, nên dù có lúc chia rồi lại hợp, bởi xu thế chủ đạo là hòa hợp, thống nhất chứ không phải chia ly. Vì lẽ ấy, ngày 30-4-1975 là cột mốc ghi dấu ấn mãi mãi trong lịch sử dân tộc.
Chiến thắng của lòng quả cảm
Tháng 4-2010, cuốn sách “Bare Feet, Iron Will” (đã được dịch sang tiếng Việt là “Chân trần, chí thép”, được Nhà xuất bản Fortis ấn hành tại Mỹ. Cuốn sách là kết quả của những cuộc gặp gỡ giữa tác giả James G. Zumwalt vốn là một cựu trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ với người dân và các quân nhân Việt Nam sau chiến tranh. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã được độc giả Mỹ hào hứng đón nhận. Có thông tin giới thiệu về cuốn sách cho biết, trên mạng bán sách trực tuyến Amazon, có độc giả để lại nhận xét về cuốn sách như sau: “Các nhà lãnh đạo trên thế giới, những người có thẩm quyền phát động chiến tranh, cần đọc cuốn sách của Zumwalt. Thông điệp ở đây là, chính quyết tâm của nhân dân và “quy mô” trái tim của họ, chứ không phải sức mạnh quân đội và quy mô của kho vũ khí, quyết định chiến thắng”.
Trong cuộc xâm lược Việt Nam, nước Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ quân số có lúc lên tới nửa triệu người. Tới ngày 31-3-1968, tổng quân số liên quân Hoa Kỳ và chế độ Sài Gòn lên 1.375.747 quân. Để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam, đó là chưa kể quân đội các nước đồng minh của Mỹ. Để đương đầu với đội quân xâm lược khổng lồ này, cả nước đã có gần 850.000 liệt sĩ hy sinh, gần 45.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tranh được coi là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, mỗi người Đức phải chịu 27kg bom đạn và mỗi kilômét vuông chịu 5,4 tấn bom đạn; mỗi người Nhật chịu 1,6kg và mỗi kilômét vuông 0,43 tấn thì khi quân đội Mỹ ném bom xuống miền Bắc Việt Nam, mỗi người dân miền Bắc phải chịu 45,5kg bom đạn và mỗi kilômét vuông phải gánh chịu 6 tấn…
Chính cuộc kháng chiến gian khổ, hy sinh và chịu nhiều mất mát của dân tộc Việt Nam đã chinh phục trái tim, khối óc của những con người yêu tự do, hòa bình trên thế giới và chiến thắng quân thù.
Chinh phục trái tim, khối óc của cộng đồng quốc tế
Trước tội ác của đế quốc Mỹ, khắp nơi trên thế giới đã nổ ra các phong trào, cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam. Đầu tháng 3-1968, Tổng Thư ký Liên hợp quốc U. Thant kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và coi đây là điều kiện để tổ chức đàm phán. Ngày 14-5-1968, trong bài phát biểu tại Trường đại học Alberta (Canada), ngài U. Thant, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã “tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện một cuộc ngưng oanh tạc toàn diện vô điều kiện miền Bắc”. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới bằng cách này hay cách khác bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Tư, Tanzania... Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud đã thốt lên một câu tự đáy lòng: “Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi!”.
Dân tộc Việt Nam mãi mãi không quên những người Mỹ yêu chuộng tự do, hòa bình đã tự thiêu để phản đối chiến tranh, phản đối quân đội Mỹ gây tội ác ở Việt Nam như: Norman Morrison, Roger Allen LaPorte, cụ bà Alice Herz… Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam không chỉ diễn ra sôi nổi trong lòng nước Mỹ mà những con người yêu chuộng hòa bình từ nước Mỹ đã lên đường sang tận Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ. Mở đầu “Bức tâm thư gửi đến nhân dân Việt Nam” của Đoàn đại biểu nhân dân phản chiến Mỹ do mục sư M.J. Muste, 81 tuổi dẫn đầu đã viết: “Gửi nhân dân Việt Nam, những người phải chờ đợi hòa bình quá lâu, gửi tất cả người Mỹ ở Việt Nam, gửi nhân dân toàn thế giới. Chúng tôi là những người Mỹ đến Việt Nam để phản đối sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Chúng tôi yêu cầu người Mỹ ngưng ngay việc sát hại người Việt Nam”. Khi sang Việt Nam, mục sư Muste phát biểu: “Chúng tôi rất thán phục và đồng thời cũng cảm thấy xót xa cho dân tộc các bạn bị bó buộc phải tiến hành một cuộc chiến đấu sống còn chống lại những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thế giới”. Cảm xúc, nhớ ơn những ân tình sâu đậm và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xúc động ghi trong hồi ký của mình rằng, khi đặt bút ký hiệp định lịch sử này bà đã vô cùng xúc động, nghĩ đến “đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam - Bắc… (…) là ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta”.
Thắng lợi của tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Luật sư Triệu Quốc Mạnh, nguyên Giám đốc Cảnh sát quốc gia Đô thành Sài Gòn - Gia Định của chính quyền Sài Gòn (luật sư Triệu Quốc Mạnh là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định) trong cuốn sách “Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh” vừa xuất bản mới đây nhận định: Việc một Sài Gòn nguyên vẹn sau ngày 30-4-1975 là chiến thắng, một tác phẩm vĩ đại nhất của những người dân trên vùng đất này. Để có một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn sau chiến tranh, để tất cả mọi hoạt động sau ngày 30-4-1975 không bị gián đoạn có công lao đóng góp vĩ đại và thầm lặng của tất cả các giới đồng bào.
Giữa đô thành Sài Gòn trong những năm tháng chiến tranh đã xuất hiện hàng loạt phong trào của trí thức miền Nam lên án chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Đó là: “Phong trào hòa bình”, “Ủy ban cứu tế và bảo vệ tính mạng, tài sản của dân chúng”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ”, “Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống”, “Phong trào dân tộc tự quyết”, “Ủy ban vận động hòa bình”, “Lực lượng quốc gia tiến bộ”, các phong trào đấu tranh của người Hoa ở Sài Gòn. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, một tổ chức đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris đã ra đời, đó là “Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris” quy tụ rất nhiều tên tuổi lớn của giới trí thức miền Nam… Hành động thức thời của ông Dương Văn Minh khi sớm đầu hàng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã góp phần giữ cho một Sài Gòn nguyên vẹn. Những người trong chính quyền Dương Văn Minh như Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phụ tá, sau là quyền Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định Triệu Quốc Mạnh, Bộ trưởng Thông tin Lý Quý Chung… là những người đã xuất hiện rất đúng lúc, trong một thời điểm quyết định góp phần làm cho cuộc chiến vốn đã khốc liệt bớt mất mát, khổ đau.
Năm 2004, khi xuất bản cuốn “Hồi ký không tên”, cựu dân biểu 3 nhiệm kỳ chế độ Sài Gòn, cựu Tổng trưởng Thông tin chính quyền Dương Văn Minh Lý Quý Chung đã kết luận: “30 năm sau nhìn lại ngày 30-4 mới thấy rõ hơn giá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó - chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất cho xứ sở - thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình và phát triển, ổn định như đang có”. Nhà báo Lý Quý Chung cũng khẳng định rằng, nếu như các điều khoản của Hiệp định Paris được đem ra thi hành, ở miền Nam có một chính phủ liên hiệp thì chắc chắn cũng sẽ “là sự tiếp nối của cuộc xung đột dưới một hình thái mới, đầy hỗn loạn và bất ổn, có thể lại đổ máu và chết chóc; “bàn tay lông lá” của người Mỹ vẫn có điều kiện xộc vào gây chia rẽ hận thù giữa người Việt với người Việt; kinh tế của miền Nam vẫn lệ thuộc, tồn tại bằng viện trợ nhỏ giọt của các cường quốc đầy những ý đồ thôn tính; còn miền Bắc có lẽ vẫn sẽ khó khăn, vẫn trong tình trạng đối phó chiến tranh vì phải tiếp tục dồn sức chi viện cuộc đấu tranh ở miền Nam. Nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ tôi vẫn tưởng nằm mơ”.