Kêu gọi đoàn kết quốc tế

Pa-le-xtin đang nỗ lực thành lập một mặt trận rộng lớn hơn tại Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tạo sức ép đòi Chính phủ I-xra-en dừng ngay kế hoạch sáp nhập một số vùng đất ở khu Bờ tây từ ngày 1-7 tới. Cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), kêu gọi I-xra-en chấm dứt ý định sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Pa-le-xtin đang nỗ lực thành lập một mặt trận rộng lớn hơn tại Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tạo sức ép đòi Chính phủ I-xra-en dừng ngay kế hoạch sáp nhập một số vùng đất ở khu Bờ tây từ ngày 1-7 tới. Cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Liên hiệp châu Âu (EU), kêu gọi I-xra-en chấm dứt ý định sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin, tạo điều kiện cho đàm phán để tiến tới giải pháp hai nhà nước.

Khu định cư Maale Adumim của Israel ở Đông Jerusalem. Ảnh: AFP/ TTXVN

Căng thẳng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin gia tăng sau khi chính phủ mới của I-xra-en ráo riết chuẩn bị kế hoạch mở rộng chủ quyền tới các khu định cư của người Do thái và Thung lũng Gioóc-đan ở khu Bờ tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin. Điều đáng nói, kế hoạch của I-xra-en sáp nhập hơn 30% diện tích khu Bờ tây nhận được sự ủng hộ của chính quyền Mỹ. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đã trao đổi ý kiến với Mỹ về việc thực hiện kế hoạch sáp nhập này, trên cơ sở kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm, vốn bị Pa-le-xtin bác bỏ.

Phản đối mạnh mẽ việc gia tăng chính sách chiếm đóng của I-xra-en, Đặc phái viên của Pa-le-xtin tại LHQ R.Man-xua mới đây tuyên bố, Pa-le-xtin sẽ nỗ lực hơn nữa tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng từ kế hoạch sáp nhập của I-xra-en. Lãnh đạo Pa-le-xtin đã quyết định tổ chức các hội nghị không hạn chế số người tham dự để thảo luận cách thức đáp trả một khi kế hoạch sáp nhập của I-xra-en được thực thi. Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát khẳng định, sự đoàn kết của người dân Pa-le-xtin và sự toàn vẹn của lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu. Chính quyền Pa-le-xtin đã hủy tất cả các cam kết và thỏa thuận đạt được với cả I-xra-en và Mỹ, bao gồm phối hợp về an ninh. Theo đó, hợp tác an ninh và tình báo giữa các cơ quan an ninh Pa-le-xtin và quân đội I-xra-en, cũng như các quan hệ dân sự giữa hai bên chấm dứt. Các cơ quan an ninh của Pa-le-xtin cũng ngừng chia sẻ thông tin với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Những động thái căng thẳng này làm “nóng” lên tình hình ở khu vực, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông tới bờ vực đổ vỡ.

Dư luận I-xra-en cũng lo ngại kế hoạch sáp nhập của chính phủ sẽ càng khoét sâu thù hận giữa người I-xra-en và các nước A-rập, đe dọa đẩy khu vực vào vòng xoáy xung đột mới. Hàng nghìn người I-xra-en đã tổ chức biểu tình tại quảng trường Ra-bin ở thành phố Ten A-víp để phản đối kế hoạch của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu mở rộng chủ quyền tới các khu vực thuộc Bờ tây, sáp nhập phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Nhà nước Pa-le-xtin. Người biểu tình I-xra-en kêu gọi “nói không với sáp nhập và chiếm đóng, nói có với hòa bình và dân chủ”. Cuộc nổi dậy gần đây nhất mang tên phong trào Intifada lần thứ hai của người Pa-le-xtin xảy ra hồi đầu những năm 2000 với làn sóng các vụ đánh bom liều chết. Nếu I-xra-en tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách thù địch chống người Pa-le-xtin, khó tránh xảy ra thêm cuộc nổi dậy tương tự trong tương lai. Bất chấp các nguy cơ leo thang xung đột, Bộ Quốc phòng I-xra-en mới đây ra lệnh cho quân đội đẩy nhanh công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trước các bước đi chính trị theo kế hoạch liên quan vấn đề Pa-le-xtin.

Các nước A-rập kêu gọi một phản ứng thống nhất, bày tỏ tình đoàn kết với người Pa-le-xtin nhằm chống các động thái mở rộng chiếm đóng của I-xra-en. Gioóc-đa-ni cùng nhiều quốc gia khác trong khu vực cảnh báo rằng, việc I-xra-en vi phạm luật pháp quốc tế cản trở tiến trình hòa bình khu vực, hủy hoại triển vọng giải pháp hai nhà nước, đồng thời châm ngòi xung đột. Các nước A-rập cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động ngay lập tức đối với quyết định của I-xra-en để bảo vệ hòa bình lâu dài cho khu vực.

Điều phối viên đặc biệt của LHQ thông báo về những nỗ lực thúc đẩy nhóm “bộ tứ” (gồm LHQ, Nga, Mỹ và EU) đưa ra các biện pháp khả thi nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông. Cảnh báo động thái sáp nhập của I-xra-en sẽ làm tổn hại các cơ hội hòa bình, EU đã kêu gọi các nước thành viên gia tăng sức ép đối với Ten A-víp. Một số quốc gia châu Âu kêu gọi áp đặt trừng phạt nếu I-xra-en xúc tiến kế hoạch sáp nhập vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin. Phần lớn các nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên thực địa, cũng như việc I-xra-en tiếp tục mở rộng các khu định cư trái phép.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi I-xra-en chấm dứt các hành động đơn phương, sớm nối lại đàm phán với Pa-le-xtin trên cơ sở các tiêu chí đã được thống nhất và các nghị quyết liên quan của LHQ. Mọi nỗ lực chính trị cần hướng tới giải pháp hai nhà nước, trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và Đông Giê-ru-xa-lem là thủ đô của Nhà nước Pa-le-xtin độc lập./.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202006/keu-goi-doan-ket-quoc-te-2537969/