Kêu gọi hành động nhân Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước

Nhân Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7), Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội tăng cường hành động nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tử vong do đuối nước.

Trẻ em tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước.

Trẻ em tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước.

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước năm nay tại Việt Nam là: “Cùng hành động để không còn trẻ em bị đuối nước”, nhấn mạnh vai trò phối hợp liên ngành và hành động của toàn xã hội để giảm thiểu nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2021, có khoảng 300.000 ca tử vong do đuối nước trên toàn cầu, phần lớn là trẻ em và thanh thiếu niên tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Y tế cho thấy có gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Dù tỷ lệ này đang có xu hướng giảm, nhưng Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ đuối nước trẻ em cao trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước (25/7) đồng thời cũng là dịp kêu gọi các cấp chính quyền, phụ huynh và toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em thông qua việc tăng cường giáo dục kỹ năng an toàn nước; mở rộng dạy bơi an toàn trong trường học và cộng đồng; truyền thông nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hợp tác liên ngành, huy động nguồn lực đầu tư để phòng chống đuối nước.

 Hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước được tổ chức tại Quảng Trị.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước được tổ chức tại Quảng Trị.

Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em nhấn mạnh: "Chúng tôi một lần nữa đề nghị các cấp chính quyền: Tăng đầu tư cho các chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt ở các địa phương có nguy cơ cao; tăng cường giáo dục cộng đồng về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu và quản lý, giám sát trẻ; mở rộng chương trình dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học và cộng đồng; đẩy mạnh hợp tác liên ngành và quốc tế, lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước vào chính sách phát triển bền vững.

Một mô hình can thiệp hiệu quả được ghi nhận trong thời gian qua là Chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại nhiều địa phương có tỷ lệ tử vong cao. Sau 7 năm triển khai, chương trình đã dạy bơi an toàn cho hơn 52.000 trẻ em, trang bị kỹ năng an toàn nước cho hơn 52.200 em, đồng thời đào tạo hơn 1.000 giảng viên bơi an toàn được cấp chứng chỉ.

Nghiên cứu từ Trường đại học Y tế Công cộng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước tại các địa phương triển khai chương trình đã giảm trung bình 16% so trước can thiệp.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, đại diện CTFK tại Việt Nam khẳng định: “Đuối nước có thể xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, nhưng với nhận thức đúng và hành động kịp thời, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn những bi kịch xảy ra. Đuối nước là hoàn toàn có thể phòng tránh được”.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho rằng, có nhiều giải pháp hiệu quả và chi phí thấp đã được chứng minh. Chúng ta cần mở rộng quy mô các can thiệp này để giảm thiểu nguy cơ, bảo vệ trẻ em và xây dựng một môi trường sống an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Tại tỉnh Quảng Trị, Sở Y tế tỉnh phối hợp cùng CTFK tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước. Bên cạnh lễ mít-tinh hưởng ứng, đông đảo học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đã tham gia cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em”.

Đây là những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời phát huy vai trò chủ động của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phát triển phong trào học bơi an toàn và kỹ năng an toàn để phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

HOÀNG MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/keu-goi-hanh-dong-nhan-ngay-the-gioi-phong-chong-duoi-nuoc-post896495.html