Kêu gọi ngăn chặn các hành vi báng bổ kinh Koran
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) kêu gọi Thụy Điển và Đan Mạch ngăn chặn các hành vi báng bổ kinh Koran, sau khi xảy ra nhiều vụ việc ở hai quốc gia Bắc Âu này thời gian gần đây. Theo TTXVN, Tổng Thư ký OIC Hissein Brahim Taha bày tỏ 'thất vọng vì cho đến nay chưa có biện pháp nào được thực hiện tại Thụy Điển và Đan Mạch liên quan vấn đề trên'.
Tổng Thư ký OIC Hissein Brahim Taha cho biết sẽ dẫn đầu phái đoàn đến Liên minh châu Âu (EU) để hối thúc các quan chức EU thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tái diễn những hành vi báng bổ kinh Koran. OIC cũng kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt về chống chủ nghĩa bài Hồi giáo.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom và người đồng cấp Đan Mạch cho biết, hai nước sẽ tiếp tục đối thoại với OIC. Những tuần gần đây tại Đan Mạch và Thụy Điển liên tục xảy ra các vụ đốt kinh Koran hoặc hành động báng bổ kinh Koran, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại các nước Hồi giáo. Một số quốc gia đã triệu đại diện ngoại giao của Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này.
Trong khi đó, Chính phủ Liban tuyên bố sẽ đình chỉ hợp tác với Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối hành vi báng bổ kinh Koran ở hai quốc gia Bắc Âu này. Theo đó, Liban sẽ đình chỉ mọi hoạt động hợp tác văn hóa với Thụy Điển và Đan Mạch, cũng như đại sứ quán của hai nước này tại Beirut, cho đến khi chính phủ hai nước có biện pháp thích hợp để khắc phục tình hình.
Chính phủ hai nước Đan Mạch và Thụy Điển đã khẳng định phản đối việc đốt kinh Koran, song không thể ngăn chặn các hành vi này do luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, cả hai chính phủ đều đang xem xét việc sửa đổi pháp lý để cho phép cơ quan chức năng ngăn chặn các vụ đốt kinh tương tự diễn ra trong tương lai.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch bày tỏ hy vọng đề xuất của chính phủ về một lệnh nhằm giới hạn hành vi đốt kinh Koran sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng với các nước Hồi giáo. Chính phủ Đan Mạch thông báo sẽ sử dụng đến công cụ pháp lý, cho phép nhà chức trách can thiệp vào những tình huống mà các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác bị xúc phạm có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.
Chính phủ Thụy Điển cho biết họ đang cân nhắc một giải pháp tương tự như Đan Mạch nhưng chưa thể tiến tới nhất trí chung, do các đảng cánh hữu ở cả hai nước đều quan ngại khả năng quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển cho biết ông đã gửi thư cho tất cả 57 quốc gia thành viên OIC để giải thích về quyền tự do hội họp tại nước này, đồng thời khẳng định một lần nữa lập trường phản đối các hành vi kỳ thị đạo Hồi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/keu-goi-ngan-chan-cac-hanh-vi-bang-bo-kinh-koran-post765271.html