Kêu gọi ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu và khoản vay mới tối thiểu từ 1,5-2 điểm %.

Ngày 13-7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng để kêu gọi tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, VNBA kêu gọi trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính, xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2 điểm %; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác.

Việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

VNBA cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tập trung vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, hộ sản xuất - kinh doanh… có phương án khả thi.

Lãi suất cho vay vẫn còn cao, VNBA kêu gọi tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm thêm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Lãi suất cho vay vẫn còn cao, VNBA kêu gọi tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm thêm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế

Theo ghi nhận của PV Báo Người Lao Động, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động cũng giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại vẫn còn khá cao. Một số doanh nghiệp phản ánh đang phải trả lãi vay từ 13-14%/năm.

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 7-2023 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng ghi nhận lãi suất cho vay không giảm nhanh như lãi suất huy động và đang duy trì ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất - kinh doanh phổ biến từ 9 - 10%/năm, một số khoản vay tốt ở mức 7 - 8%/năm. Còn cho vay mua nhà, ôtô, vay tiêu dùng thì vào khoảng 11 - 14%/năm...

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở đề nghị của ngân hàng thương mại và tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng ngân hàng. Tính đến hết tháng 6-2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm ngoái.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bên cạnh giảm lãi suất cho vay và điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay…, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thái Phương. Ảnh: Bình An

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/keu-goi-ngan-hang-giam-them-lai-suat-cho-vay-20230713144744191.htm