Kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Ngày 21-5, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Bù Đăng kiểm tra thực tế, rà soát việc thực hiện Đề án quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

Trong giai đoạn 1 và 2 của đề án, Bình Phước đã thực hiện các hạng mục gồm: Điểm trường Tiểu học Xuân Hồng; cổng chào; đường trục chính và hệ thống đường giao thông nội bộ; khu vực nhà đón tiếp; nhà dài; sân lễ hội; làng nghề... Hiện nay, theo quy hoạch nằm trong tổng thể khu bảo tồn còn 5 hạng mục chưa được thực hiện, gồm: nhà nghỉ dưỡng; sân chơi thể thao, hồ bơi, khu vui chơi, giải trí; nhà ăn uống; tượng đài; đập thủy lợi, trạm bơm nước.

Bên cạnh các hạng mục, công trình do tỉnh đầu tư, thời gian qua, huyện Bù Đăng cũng làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời, huyện sưu tầm thêm các hiện vật để trưng bày trong khu bảo tồn... Tuy nhiên, so với tầm vóc và ý nghĩa của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, cần phải tiếp tục đầu tư nhiều công trình, hạng mục khác để vừa đảm bảo được việc bảo tồn nét văn hóa độc đáo vừa thu hút được du khách đến tham quan, thưởng lãm...

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh kiểm tra thực tế và chỉ đạo các ngành việc quy hoạch, đầu tư xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Sau khi các sở, ngành và lãnh đạo huyện Bù Đăng đề xuất, góp ý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị, thời gian tới phải huy động tối đa xã hội hóa đầu tư vào khu bảo tồn. Việc đề xuất thu phí một số dịch vụ trong khu bảo tồn của huyện Bù Đăng là hợp lý nhưng phải cụ thể mức thu trình UBND tỉnh xem xét. Quy hoạch cần phải điều chỉnh, thay đổi phù hợp với hiện tại, có không gian hợp lý, khoa học, đúng tính chất của khu văn hóa lịch sử. Tỉnh rất đồng thuận việc sớm có bộ cồng chiêng đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam, vì đây là cách để tạo dấu ấn, thu hút du khách. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, khi đầu tư, sửa chữa lại các khu văn hóa làng nghề phải tham khảo ý kiến già làng, nhà nghiên cứu để đảm bảo đúng văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng bản địa ở sóc Bom Bo.

Nguyễn Tấn

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/keu-goi-xa-hoi-hoa-dau-tu-vao-khu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-stieng-soc-bom-bo-37158