KF-21 Boramae - tiêm kích giúp Hàn Quốc trở thành nước thứ 13 phát triển được chiến đấu cơ
Khi KF-21 Boramae thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới tự phát triển máy bay chiến đấu. Khách hàng tiềm năng đầu tiên là một quốc gia Đông Nam Á.
Hàn Quốc đã tung ra nguyên mẫu đầu tiên của dòng máy bay chiến đấu bản địa thế hệ tiếp theo, trước đây được gọi là KF-X, nay chính thức đặt tên cho nó là KF-21 Boramae, có nghĩa là “diều hâu” trong tiếng Hàn. Chiếc tiêm kích tham vọng nhất của Hàn Quốc dự kiến sẽ bay vào năm tới và tổng thống Hàn Quốc đã xác nhận một lịch trình khắt khe để hoàn thành chương trình phát triển phiên bản đầu tiên vào năm 2026.
Khi KF-21 Boramae thực hiện thành công các chuyến bay thử nghiệm, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới tự phát triển máy bay chiến đấu.
Không quân Hàn Quốc (ROKAF) dự kiến sẽ trang bị 40 chiếc KF-21 vào năm 2028 và có đầy đủ phi đội 120 chiếc được triển khai vào năm 2032. Không quân Hàn Quốc đang cần gấp những máy bay này để thay thế những chiếc F-4E Phantom II và F-5E/F đã cũ, đồng thời bổ trợ cho phi đội tiêm kích tàng hình F-35A, phi đội F-15K Slam Eagle và F-16C/D cũ hơn.
Buổi lễ giới thiệu máy bay diễn ra hôm 9/4 tại cơ sở của Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) ở Sacheon, tỉnh Nam Gyeongsang. Tổng thống Moon Jae-in đã có bài phát biểu.
Ông báo trước “một kỷ nguyên tự vệ mới” và “một cột mốc lịch sử trong sự phát triển của ngành hàng không Hàn Quốc. Ông Moon cũng đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc công nghiệp hàng không lớn thứ 7 thế giới vào những năm 2030.
Công việc phát triển dự án KF-X một cách quy mô bắt đầu vào năm 2015 và vào năm 2019, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc (DAPA), đã thông báo về việc tiếp tục chế tạo một mẫu thử nghiệm. Tháng 9 năm ngoái, KAI thông báo rằng quá trình lắp ráp cuối cùng của máy bay chiến đấu nguyên mẫu đang được tiến hành, cụ thể là ghép các bộ phận thân máy bay và cánh.
Hàn Quốc đã lên kế hoạch chế tạo bốn nguyên mẫu một chỗ ngồi và hai nguyên mẫu hai chỗ, mỗi nguyên mẫu sẽ được trang bị một cặp động cơ General Electric F414-GE-400K do Mỹ cung cấp.
Các biến thể của động cơ phản lực cánh quạt này cũng được trang bị trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet và EA-18G Growler của Mỹ, JAS 39E / F Gripen của Thụy Điển, Tejas Mk 2 của Ấn Độ.
Seoul dự kiến sẽ ký hợp đồng sản xuất KF-21 đầu tiên vào năm 2024, bàn giao biến thể Block 1 vào năm 2026. Block 1 sẽ chỉ có khả năng không đối không, trong khi Block 2 sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ không đối đất.
Dù việc phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu đa năng nội địa là một thách thức đáng kể, KAI đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất máy bay quân sự cao cấp, từ việc chế tạo tiêm kích hạng nhẹ FA-50 được ROKAF sử dụng và xuất khẩu. Ngành công nghiệp Hàn Quốc cũng tham gia sản xuất tiêm kích F-16C/D của Mỹ phiên bản Block 52 cho ROKAF.
KF-21 sử dụng đuôi kép tương tự F-22 và F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, nó không có khả năng tàng hình ở mọi khía cạnh như hai loại máy bay Mỹ. Thay vào đó, máy bay phản lực hai động cơ này ra đời với mục tiêu nhằm lấp đầy khoảng cách giữa F-35 và F-16 về khả năng tác chiến, nhưng rẻ hơn F-35, vốn rất tốn kém trong việc chế tạo và vận hành.
Các vũ khí của KF-21 sẽ được bố trí bên ngoài, trên sáu mấu cứng dưới cánh và bốn phần dưới thân máy bay. Việc này làm giảm năng lực tàng hình, tuy nhiên, bù lại, máy bay có thể mang nhiều vũ khí hơn.
Một khi máy bay này đi vào hoạt động - khoảng năm 2026 – người ta sẽ nghiên cứu một phiên bản phái sinh tiên tiến hơn, ví dụ như bố trí vũ khí bên trong thân để tăng khả năng tàng hình. Ở dạng ban đầu, KF-21 được cho là sẽ có tiết diện phản xạ radar tương đương với tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu, nhưng những nâng cấp liên tiếp sẽ giảm hơn nữa.
Theo một dự án trị giá 7,9 tỷ USD, Hàn Quốc đang phát triển KF-21 cùng với Indonesia, quốc gia đã đồng ý trả 20% chi phí phát triển và có kế hoạch mua 50 chiếc cho lực lượng không quân của mình. Trong quá khứ, Indonesia đã chậm trễ trong việc chi trả cho chương trình và có những gợi ý rằng vị thế của nước này trong chương trình có thể bị đe dọa.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tham dự buổi lễ triển khai hôm qua và các quan chức Hàn Quốc xác nhận rằng các kế hoạch hợp tác vẫn được duy trì. Kế hoạch là cung cấp máy bay để xuất khẩu sang các nước khác.
Nói chung, KF-21 có thể là một đề xuất rất hấp dẫn đối với các khách hàng nước ngoài. Máy bay được thiết kế để có hiệu suất động học tốt hơn F-16C và sẽ có radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), do Hanwha Systems của Hàn Quốc sản xuất, cũng như các tùy chọn vũ khí tiên tiến, bao gồm cả tên lửa Meteor của Châu Âu.