Khá giả nhờ ruốc, nước mắm

Mỗi năm sản xuất tầm 20-30 tấn ruốc, thu lãi ròng từ 200-300 triệu đồng, vợ chồng anh Trần Văn An, chị Nguyễn Thị Hảo ở thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải (Phú Vang), là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.

 Chị Hảo (trái) và chị Linh kiểm tra “độ chín” của mẻ ruốc năm nay

Chị Hảo (trái) và chị Linh kiểm tra “độ chín” của mẻ ruốc năm nay

Khi đi ngang qua vạt đất rộng san sát hàng trăm chum ruốc của vợ chồng anh An, người dân trong thôn dường như chậm bước lại trước mùi nồng của ruốc đang độ chín; mùi thơm của nước mắm nhĩ. Đối với dân miền biển, đó là mùi hương thật thân thuộc, thật đáng trân trọng, bởi quyện lẫn với biết bao mồ hôi, nhọc nhằn và tâm huyết của người sản xuất, chế biến.

Nói về tâm huyết đối với nghề, điều mà vợ chồng anh An lặp lui lặp tới nhiều lần nhất, đó là mục tiêu đảm bảo uy tín đối với khách hàng, mong muốn sản phẩm ruốc, nước mắm của gia đình mình, của quê hương Phú Hải ngày càng “đi ra” nhiều tỉnh, thành khác. Vậy nên, trong quá trình sản xuất, vợ chồng anh An luôn chú tâm, cẩn thận từng công đoạn; thức khuya dậy sớm, hay bất kể cái nắng gay gắt. “Thuê người làm, nhưng mình phải luôn luôn có mặt, cùng làm để kiểm tra từng chi tiết, như vậy mới cho ra sản phẩm đảm bảo nhất về chất lượng, an toàn vệ sinh, thơm ngon đậm đà” - chị Hảo bộc bạch.

Kế thừa tình yêu đối với nghề làm ruốc, nước mắm; kỹ thuật sản xuất từ cha mẹ, anh An cùng vợ mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để mua sắm máy móc, vật dụng; nhập nguyên liệu, thuê nhân công. Hiện, vợ chồng anh An có 1 máy ép ruốc; 2 máy xay ruốc trị giá tầm 150 triệu đồng. Vợ chồng anh An lựa chọn nhập nguyên liệu ruốc từ Quy Nhơn (Bình Định), bởi ruốc ở đây ngon, rất sạch, không có cát.

Vụ sản xuất ruốc bắt đầu cao điểm từ tháng 10 cho đến tháng 2 năm sau. Sau khi nhập nguyên liệu, xưởng sản xuất hoạt động hết công suất, từ công đoạn tỉ mỉ loại bỏ các tạp chất (như cá, mực lẫn trong ruốc) đến ép ruốc, xay ruốc thật mịn, nhuyễn, phơi ruốc, đánh ruốc… Công đoạn nào cũng cần sự chịu thương, chịu khó. Trong thời gian cao điểm vụ ruốc, nguyên liệu được nhập về liên tục; việc sản xuất cũng “nhộn nhịp” nhất. Thời điểm đó, nhân công bao giờ cũng dao động từ 10- 12 người. Sau khi đã được đóng vào chum, hàng ngày chỉ phơi và đánh ruốc thì cần lượng nhân công ít hơn. Chị Hảo cho hay, nhân công là người trên địa bàn; quen thuộc, hiểu nghề nên rất thuận lợi trong sản xuất. Lương trả cho nhân công mỗi ngày 400 nghìn đồng.

Mỗi vụ ruốc, vợ chồng anh An sản xuất từ 20-30 tấn; sản phẩm nước mắm và ruốc đều được xuất bán hết trong năm. Ngoài nhập cho những mối sỉ trên địa bàn, hiện vợ chồng anh An còn bán lẻ cho khách một số tỉnh phía nam. Trừ mọi chi phí và tiền công cho người lao động, vợ chồng anh An thu lãi ròng tầm 200- 300 triệu đồng. Chị Hảo cười thật tươi khi cho biết, chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng vợ chồng chị sắm được, cũng từ tiền lãi bán ruốc, nước mắm. Vợ chồng anh An đang tìm cách quảng bá để đưa sản phẩm “đi ra” nhiều tỉnh khác một cách bền vững.

Chị Lê Thị Mỹ Linh, cán bộ địa chính phụ trách nông - lâm - ngư xã Phú Hải cho biết: Nước mắm OCOP "Làng Trài" của xã Phú Hải chính là sản phẩm nước mắm của hộ anh An và một số thành viên của Hợp tác xã thủy sản Phú Hải (đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, có chứng nhận vệ sinh sinh an toàn thực phẩm) cung cấp. Nước mắm "Làng Trài" hiện đang được liên kết với Trung tâm OCOP của huyện, đồng thời được quảng bá nhiều hơn thông qua các cuộc triển lãm và nhiều hình thức khác; đã và đang là sự lựa chọn của một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Minh Đức

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/kha-gia-nho-ruoc-nuoc-mam-129507.html