Khá lên nhờ chuyển từ may thủ công sang may công nghiệp

Từ một thợ may chuyên về các mặt hàng thời trang đang được nhiều khách hàng ưa chuộng, chị Lê Thị Minh Thuận ở Khu phố 2, Phường 5, thành phố Đông Hà đã quyết định chuyển hướng, thành lập xưởng may công nghiệp. Và nhờ đó, trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường nhưng xưởng may của chị vẫn hoạt động và có nguồn thu tốt, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

 Xưởng may của chị Thuận giúp nhiều lao động ở địa phương có việc làm ổn định trong mùa dịch - Ảnh: N.T

Xưởng may của chị Thuận giúp nhiều lao động ở địa phương có việc làm ổn định trong mùa dịch - Ảnh: N.T

Sau một thời gian học nghề, năm 1997, chị Thuận mở một tiệm may nhỏ gần chợ Khu phố 2, Phường 5. Là người khéo tay, đường may sắc sảo nên chị có thể thực hiện được nhiều mẫu váy, áo quần do khách yêu cầu. Nhờ vậy mà tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng khắp nơi tìm đến. Lượng hàng ngày càng nhiều, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng cho khách, chị tuyển thêm thợ, mở rộng tiệm. Từ năm 2010 trở đi, các mặt hàng may mặc sẵn phong phú, rất tiện lợi và giá rẻ hơn được bày bán khắp nơi, đặc biệt là mua hàng online phát triển thì nhu cầu đến đo may áo quần trực tiếp của khách ngày càng ít. Mặc dù việc làm ăn của tiệm đang thuận lợi nhưng nhận thấy nếu bám trụ may theo cách thức thủ công sẽ khó bền vững nên chị dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu thị trường để có hướng làm ăn ổn định.

Năm 2015, chị Thuận quyết định nghỉ tiệm may và xin vào làm công nhân cho một nhà máy may công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với tay nghề và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề may, chị dễ dàng tiếp cận với công việc mới và được lãnh đạo nhà máy đánh giá cao, bố trí làm quản lý ở bộ phận sản xuất áo quần. Quá trình làm việc, chị vừa nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, vừa quan sát học hỏi thêm kỹ thuật mới trong môi trường may công nghiệp. Khi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, năm 2019 chị Thuận về lại Đông Hà để thực hiện kế hoạch mở xưởng may công nghiệp.

Để kế hoạch triển khai thuận lợi, chị Thuận dành thời gian tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình may công nghiệp hiệu quả ở địa phương. Bước đầu, chị nhận may các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của một số công ty lớn ở tỉnh với quy mô nhỏ tại nhà, đầu tư gần 10 máy may và tuyển thêm 5-6 thợ. Sau 2 năm làm quen với nghề này, đầu năm 2021 chị quyết định thành lập Xưởng may Hoàng Yến. Tận dụng khu vực đất hai bên nhà, chị bố trí làm xưởng may, đầu tư hơn 300 triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ may công nghiệp; tuyển 14 công nhân làm tại xưởng. Các mặt hàng chị nhận may khá phong phú như áo sơ mi, áo thun, áo jacket, quần sort, quần bơi, quần áo trẻ em…

Từ khi thành lập đến nay, xưởng may của chị Thuận duy trì hoạt động tốt nên công nhân có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 4 triệu - 8 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh đó, công nhân làm việc tại xưởng may của chị được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội và các chế độ theo quy định của Nhà nước; hưởng chế độ chuyên cần, hỗ trợ xăng xe. Trừ mọi chi phí, hơn 2 năm nay, chị Thuận thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Chị Bùi Thị Dung, công nhân Xưởng may Hoàng Yến chia sẻ: “Trước đây, tôi có nhiều năm làm việc tại tiệm may của chị Thuận, khi chị nghỉ tiệm tôi cũng xin đi làm công nhân cho một số nhà máy may ở tỉnh. 2 năm nay, chị Thuận về nhà nhận hàng may công nghiệp, tôi lại quay về làm việc với chị. Quá trình làm việc tại xưởng, chị luôn tận tình hướng dẫn, bày vẻ cho công nhân cách sử dụng máy móc, thiết bị, cách may, ráp hàng công nghiệp như thế nào là đúng cách và đẹp. Ở đây chúng tôi thấy rất thoải mái và yên tâm, nhất là trong mùa dịch mà vẫn có việc làm và thu nhập ổn định”.

Để đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất, kể từ khi COVID-19 bùng phát đến nay, chị Thuận luôn trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt đầy đủ tại xưởng may. Mỗi khi địa phương áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì ngoài thực hiện 5K của Bộ Y tế, công nhân tại xưởng phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc: “Từ nhà đến xưởng và từ xưởng về nhà”, hạn chế tiếp xúc với người ngoài.

Chị Thuận chia sẻ: “Dù thành lập trong thời điểm dịch bệnh hoành hành nhưng may mắn đối với xưởng may của tôi vẫn hoạt động thuận lợi. Các công ty lớn tạo điều kiện và giao sản phẩm cho xưởng làm thường xuyên nên công nhân có việc làm và thu nhập ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng xưởng, tuyển thêm công nhân, đưa xưởng hoạt động tách biệt với nơi ở của gia đình. Hiện tôi rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ may công nghiệp”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161391&title=kha-len-nho-chuyen-tu-may-thu-cong-sang-may-cong-nghiep