Khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ Mỹ triển khai đến Israel

Đài CNN cho biết hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nằm trong trong số vũ khí chống tên lửa mạnh nhất của Mỹ, đủ sức đánh chặn tên lửa đạn đạo xa 150 - 200km và đạt tỷ lệ thành công gần hoàn hảo trong thử nghiệm.

Kết hợp radar tiên tiến cùng tên lửa đánh chặn, THAAD là hệ thống phòng thủ duy nhất của Mỹ có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm xa ở bất cứ giai đoạn bay nào. Tên lửa đánh chặn mà THAAD sử dụng xử lý mục tiêu bằng cách va chạm với chúng thay vì phát nổ gần đầu đạn đang bay đến.

Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), nước này sở hữu 7 hệ thống THAAD. Mỗi hệ thống gồm 6 bệ phóng - 8 tên lửa mỗi bệ - lắp trên xe tải, 1 radar, 1 bộ phận điều khiển hỏa lực, 1 bộ phận liên lạc.

1 hệ thống sắp được triển khai đến Israel, kèm theo 100 binh sĩ vận hành. Lầu Năm Góc tuyên bố đây là một phần trong điều chỉnh rộng hơn mà quân đội Mỹ thực hiện vài tháng gần đây để hỗ trợ Israel cũng như bảo vệ nhân sự Mỹ khỏi hoạt động tấn công thực hiện bởi Iran và lực lượng ủy nhiệm.

Thông qua hệ thống chỉ huy - kiểm soát và quản lý chiến đấu được trang bị rộng rãi, THAAD có thể “giao tiếp” với các hệ thống phòng thủ khác như Aegis (trên tàu chiến) hay Patriot (trên đất liền). Tất cả hợp thành mạng lưới bảo vệ nhiều lớp.

Máy bay vận tải C-17 hay C-5 cho phép Mỹ triển khai nhanh chóng THAAD, nhưng Lầu Năm Góc không công bố mốc thời gian triển khai nó đến Israel.

Thứ gì đảm bảo THAAD đánh chặn chính xác?

Độ chính xác của THAAD phụ thuộc vào radar giám sát di động AN/TPY-2, chuyên cung cấp thông tin mục tiêu. Radar đủ sức thu thập và theo dõi mục tiêu xa đến 3.000km. Iran cách Israel khoảng 1.700km.

Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết THAAD chưa từng đánh chặn thất bại trong thử nghiệm.

Các hệ thống phòng thủ khác của Israel

Khi đến Israel, THAAD sẽ phối hợp với các hệ thống đáng gờm khác. Nổi tiếng nhất là Iron Dome, hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa cùng máy bay không người lái (UAV) do nhiều nhóm vũ trang phóng đi. Đơn vị sản xuất Rafael Defense Systems tự hào tuyên bố Iron Dome đạt tỷ lệ đánh chặn thành công lên đến 90%.

Đầu tháng 4, Israel ra mắt phiên bản trang bị cho tàu chiến mang tên C-Dome có thể thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt máy bay không người lái (UAV).

Nhưng Iron Dome không hoàn hảo, hệ thống này từng để lọt tên lửa và chỉ phù hợp đối phó đạn pháo hoặc tên lửa được phóng từ khoảng cách ngắn. Radar của hệ thống có tầm hoạt động 4 - 70km.

Để đối phó tên lửa cùng UAV tầm trung đến xa, Israel vào năm 2017 triển khai David's Sling tầm đánh chặn 300km. Hệ thống mới này chủ yếu xử lý đạn pháo cỡ lớn, UAV, tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Quân đội Israel (IDF) khẳng định David's Sling đủ sức đánh chặn tên lửa phóng từ Iran hoặc Syria.

Tel Aviv còn sở hữu Arrow 2 và Arrow 3 chuyên đối phó tên lửa đạn đạo. Hai hệ thống đánh chặn được tên lửa đạn đạo tầm bắn lên đến 2.400km, riêng Arrow 3 còn có thể tiêu diệt mục tiêu ngoài không gian.

Bên cạnh khí tài phòng không tự sản xuất, Israel cũng trang bị hệ thống Patriot của Mỹ với tầm đánh chặn từ xa 600km, xử lý được hầu hết loại tên lửa.

Không quân IDF tập hợp nhiều chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có F-15, F-16, F-35 (đều do Mỹ sản xuất). Tất cả đều có thể mang tên lửa không đối không sẵn sàng tiêu diệt UAV hoặc tên lửa của kẻ địch đang bay tới.

Năm 2019, Mỹ từng triển khai THAAD đến Israel để tiến hành tập trận chung. Hệ thống còn được đặt tại Guam để bảo vệ căn cứ Mỹ trên địa bàn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kha-nang-danh-chan-cua-he-thong-phong-thu-my-trien-khai-den-israel-224913.html