Khả năng FED tăng lãi suất 'một lần và xong' tăng lên khi kinh tế Mỹ chậm lại

Sự suy giảm trong doanh số bán lẻ của Mỹ cho thấy lãi suất cao hơn đang làm chậm nền kinh tế, như FED đã tính toán khi cho rằng, hoạt động kinh tế cần giảm bớt để giảm lạm phát vốn đã hạ nhiệt gần đây nhưng vẫn ở mức cao. Các quan chức FED đã phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp vào đầu tháng 5 tới để duy trì áp lực giảm lạm phát.

Những điều cần biết trước quyết định lãi suất của FED

Nhà đầu tư đặt cược cao FED tăng “một lần là xong”

Dữ liệu kinh tế từ đầu năm bắt đầu cho thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc, với các báo cáo trong 7 ngày qua cho thấy tăng trưởng việc làm, lạm phát, sản lượng của nhà máy và chi tiêu của người tiêu dùng đều chậm lại.

Công cụ theo dõi tổng sản phẩm quốc nội của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta hôm 14/4 ước tính, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên là 2,5%, chỉ thấp hơn một chút so với cuối năm ngoái. Cùng thời điểm, S&P Global Market Intelligence ước tính mức tăng trưởng 1,9% trong quý đầu tiên và giảm 0,2% trong quý II.

Dữ liệu GDP chính thức trong quý đầu tiên sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào cuối tháng 4 này.

Tuy nhiên, các tác động kết hợp không khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngừng thêm tăng lãi suất hơn nữa, với các dự báo vẫn có khả năng lãi suất qua đêm chuẩn tăng thêm ở mức một phần tư điểm phần trăm, lên mức 5,00% -5,25% vào tháng tới. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu vào năm 2007.

Tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang được chụp ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang được chụp ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, diễn biến mới này cũng đang bắt đầu làm căng thẳng thêm cuộc tranh luận về việc liệu lần tăng lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ có phải là lần cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ mà FED đã tiến hành từ năm ngoái để chống lại lạm phát tăng cao kỷ lục. Thị trường tài chính đang đặt cược vào kịch bản “một lần là xong” này.

Người tiêu dùng Mỹ đã cắt giảm chi tiêu bán lẻ trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3/2023, làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

Người mua sắm rút lại việc mua các mặt hàng như xe cộ, đồ nội thất và thiết bị gia dụng trong bối cảnh lãi suất leo thang. Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/4, tổng các giao dịch mua được điều chỉnh theo mùa tại các cửa hàng, nhà hàng và trực tuyến đã giảm 1% trong tháng 3 so với tháng trước. Người tiêu dùng cũng chi tiêu ít hơn cho xăng dầu, phản ánh xu hướng giảm giá.

“Lưu ý rằng chúng tôi đã làm được rất nhiều việc, cần có thời gian để các giải pháp phát huy trong hệ thống” - Chủ tịch FED Chicago Austan Goolsbee cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/4, sau khi dữ liệu mới cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 1% vào tháng 3, mức giảm lớn hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế.

"Với con số về doanh số bán lẻ này, có lẽ chúng ta đang thấy một chút chậm trễ và nếu bạn gặp căng thẳng về tài chính, đừng quá sốt sắng" với việc tăng lãi suất, Goolsbee nói, đề cập đến khả năng thất bại gần đây của hai ngân hàng khu vực của Mỹ có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng sâu hơn do tác động ngoài dự đoán từ chính sách lãi suất cao hơn của FED.

Dữ liệu doanh số bán lẻ ít nhất cung cấp một gợi ý rằng, sự bùng nổ chi tiêu trong thời kỳ đại dịch có thể sắp kết thúc, mặc dù một số nhà kinh tế lập luận tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử và tiền lương tăng khiến tiêu dùng khó có thể giảm mạnh.

Trong các bình luận riêng, Thống đốc FED Christopher Waller cho biết, có rất ít bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang bị căng thẳng, ít tiến triển về lạm phát và không có lý do gì để hủy bỏ việc tăng lãi suất thêm nữa.

“Tôi hoan nghênh các dấu hiệu về nhu cầu đã thay đổi, nhưng cho đến khi chúng xuất hiện và tôi thấy lạm phát đang giảm xuống một cách có ý nghĩa và liên tục xuống mục tiêu 2% của chúng tôi, tôi tin rằng vẫn còn nhiều việc phải làm” - Waller nói, nhấn mạnh lạm phát cao vẫn là mối quan tâm chính của FED vào thời điểm này.

236.000 việc làm đã được các nhà tuyển dụng của Mỹ tạo thêm vào tháng trước, nhưng tỷ lệ việc làm mới vẫn thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

236.000 việc làm đã được các nhà tuyển dụng của Mỹ tạo thêm vào tháng trước, nhưng tỷ lệ việc làm mới vẫn thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Tỷ lệ lạm phát hiện tại cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% và giảm dần một cách chậm chạp. Tâm lý người tiêu dùng tăng nhẹ trong tháng 4 được Đại học Michigan công bố ngày 14/4 cho thấy, những cơn gió ngược mà FED phải đối mặt trên mặt trận chống lạm phát và củng cố lập luận chống lại việc tạm dừng chu kỳ thắt chặt.

Nhưng ngay cả Waller cũng thừa nhận rằng, FED sẽ cần theo dõi chặt chẽ dữ liệu tài chính và kinh tế trong những tuần tới, đặc biệt là bằng chứng về cái mà ông gọi là bất kỳ sự thay đổi "đột ngột" nào trong các tiêu chuẩn cho vay có thể phản ánh việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng vượt quá mức mà các nhà hoạch định chính sách cảm thấy cần thiết để làm chậm lạm phát.

Đích cuối đã gần đến

Dữ liệu kinh tế ngoài doanh số bán lẻ đang cho thấy một số bằng chứng về sự chậm lại - đủ để các thành viên của FED trước cuộc họp chính sách ngày 21-22/3 của ngân hàng trung ương dự báo một cuộc "suy thoái nhẹ" bắt đầu vào cuối năm nay.

Dữ liệu mới trong tuần qua cũng cho thấy sản lượng sản xuất giảm trong tháng 3, tốc độ tăng giá chung giảm, chi phí nhập khẩu giảm và lợi nhuận do các doanh nghiệp cộng vào giá cuối cùng giảm nhanh - một động lực mà một số nhà kinh tế cho rằng có thể giáng một đòn mạnh vào tỷ lệ lạm phát chung.

Trong một bài phát biểu ngày 14/4, Thống đốc FED Christopher Waller cho biết, đến nay, các điều kiện tín dụng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn không có tác dụng nhiều trong việc kiềm chế tổng cầu.

Ông Waller cũng sẵn sàng chấp nhận một đợt tăng lãi suất khác vì những căng thẳng gần đây của hệ thống ngân hàng không tạo ra sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động cho vay, trong khi lạm phát cao vẫn được hỗ trợ bởi tăng trưởng mạnh.

FED đã tăng lãi suất chuẩn vào tháng trước lên khoảng từ 4,75% đến 5%, kéo dài tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980.

236.000 việc làm do các nhà tuyển dụng Mỹ tạo thêm vào tháng trước lẽ ra được coi là cao trong những năm trước khi xảy ra đại dịch, nhưng lại đánh dấu mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2020 và hướng tới mức tăng trưởng việc làm hàng tháng được dự đoán là sẽ giảm dần.

Sẽ không có nhiều dữ liệu kinh tế hàng đầu trước cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5 tới của FED. Tuy nhiên, số liệu thống kê hàng tuần về vay và cho vay của các ngân hàng có thể gây tranh cãi, cũng như cuộc khảo sát hàng quý với các lãnh đạo ngân hàng mà các quan chức FED sẽ có thể xem xét tại cuộc họp của họ trước khi được công bố vào tuần sau.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần qua, Chủ tịch FED Atlanta, Raphael Bostic cho biết ông được khuyến khích bởi các xu hướng lạm phát gần đây và cảm thấy một lần tăng lãi suất nữa sẽ giúp FED "đạt mục tiêu và dừng" ở mức khiến lạm phát giảm theo thời gian.

Scott Anderson, kinh tế trưởng của Bank of the West cho biết, không có bất ngờ lớn nào trong dữ liệu ngân hàng, lạm phát hoặc kinh tế, "họ đang cảm thấy như đang tiến gần đến điểm cuối" của chu kỳ tăng lãi suất./.

Hoàng Lê (theo Reuters)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kha-nang-fed-tang-lai-suat-mot-lan-va-xong-tang-len-khi-kinh-te-my-cham-lai-125808.html