Khả năng gặp gỡ Biden-Putin và 4 chiến lược hóa giải căng thẳng Nga-Mỹ

Bên lề Hội nghị nhóm G7 và NATO, khả năng về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang là mối quan tâm lớn.

Washington và Moscow đang phối hợp để lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: PTE)

Washington và Moscow đang phối hợp để lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ. (Nguồn: PTE)

Cơ hội giải quyết hiềm khích

Mới đây, một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết, Washington và Moscow đang phối hợp để lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gặp này nhiều khả năng sẽ được tổ chức tại một nước thứ ba vào tháng 6 tới, đúng thời điểm ông Biden đến châu Âu để tham dự cuộc họp của nhóm G7 và NATO.

Washington đưa ra lời đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ vô cùng căng thẳng và tiềm tàng khả năng dẫn đến xung đột.

Tổng thống Mỹ Biden đưa ra lời đề nghị này ngay sau khi ông gọi Tổng thống Nga Putin là một "kẻ sát nhân" và ngay trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm trả đũa vụ tấn công mạng mà Washington nghi ngờ có bàn tay dính líu của Điện Kremlin hồi cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Biden cho biết muốn hội đàm với người đồng cấp Putin nhằm bình thường hóa quan hệ và tránh một chu kỳ leo thang căng thẳng cũng như xung đột với Nga.

Moscow khẳng định đã nhận lời mời này với thái độ tích cực, song gần đây, Điện Kremlin đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ về nước, đồng thời cáo buộc chính quyền ông Biden hiện nay và chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump đã có những hành động cố ý đẩy mối quan hệ song phương vào tình trạng bế tắc.

Không ai có thể nói chắc chắn về bầu không khí cũng như kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga (nếu diễn ra).

Cần sự tích cực từ hai phía

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 6 tuần nữa là diễn ra hội nghị trên, ông Biden có thể tái định hướng quan hệ Mỹ-Nga theo 4 hướng chiến lược sau.

Thứ nhất, hoạt động ngoại giao cấp cao, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh, có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng và đôi khi mang lại những đột phá lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không nên kỳ vọng quá cao rằng qua hội nghị thượng đỉnh này có thể tháo gỡ được mọi hiềm khích.

Thay vào đó, chính quyền ông Biden nên ưu tiên các hình thức ngoại giao thông thường có thể mang lại hiệu quả giữa hai chính phủ cũng như các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về những vấn đề gây rạn nứt giữa hai nước.

Một trong những vấn đề ưu tiên hiện nay là hai bên cần đưa Đại sứ của mình trở lại vị trí. Một vấn đề khác là khôi phục Hiệp ước Bầu trời mở và Lực lượng hạt nhân tầm trung đã bị chính quyền người tiền nhiệm Trump "xé bỏ".

Các hiệp ước kiểm soát vũ khí này là cơ sở giúp làm giảm căng thẳng mà ông Biden nên khôi phục bằng mọi cách có thể.

Thứ hai, hai bên cần tích cực giảm thiểu mọi khả năng dẫn đến một cuộc xung đột quân sự.

Việc khôi phục Hiệp ước Bầu trời mở là một phần, đồng thời với đó là chấm dứt sự can thiệp quân sự hiện nay của Mỹ tại Syria, nơi Nga cũng đang hiện diện.

Thực tế là số lượng binh lính Mỹ triển khai ở Syria hiện nay khá nhỏ, chỉ khoảng 1.000 quân và có nhiệm vụ đánh đuổi các tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và ngăn Nga, Iran, chính quyền Syria (phần lớn trong số đó phản đối IS) tiếp cận các nguồn dầu mỏ.

Mặc dù các lực lượng của Mỹ và Nga không chính thức giao tranh với nhau ở Syria, nhưng binh lính Mỹ đã đụng độ với lính đánh thuê của Nga. Hơn nữa, việc Mỹ và Nga cùng hiện diện ở Syria mang lại rất nhiều rủi ro, và đó là những rủi ro không cần thiết.

Tương tự, một điều quan trọng nữa là cần hạ nhiệt những căng thẳng ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine, tuy rằng lợi ích an ninh của Mỹ tại khu vực này không nhiều đến mức để Mỹ có thể tiến hành một cuộc chiến công khai với Nga.

Thứ ba, không nên áp dụng mô hình cưỡng ép, đặc biệt là lạm dụng các biện pháp trừng phạt, bởi điều này có thể phản tác dụng và khiến tình hình trầm trọng hơn.

Cuối cùng, ông Biden đã có động thái kêu gọi bình thường hóa và giảm căng thẳng với Nga. Điều đó cho thấy mục tiêu hàng đầu trong chiến lược của Washington với Moscow suy cho cùng là "hòa bình".

Chiến tranh Lạnh đã qua, nhưng cả Mỹ và Nga đều đang nắm giữ các kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh. Theo kịch bản tồi tệ nhất, việc phá vỡ hòa bình giữa hai nước cũng đồng nghĩa với việc đặt thế giới vào tình cảnh rất nguy hiểm.

Thực tế này là điều mà cả hai nhà lãnh đạo đều phải luôn ghi nhớ để cân nhắc trong mọi động thái tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới cũng như trong tương lai.

(theo National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kha-nang-gap-go-biden-putin-va-4-chien-luoc-hoa-giai-cang-thang-nga-my-144210.html