Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn là nguy cơ hiện hữu

Đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng Việt Nam, khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023.

Ngày 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

An ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức

Trình bày Báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ. Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.

Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trnfh bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trnfh bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng Việt Nam, khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023.

“Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu. Trong số 6 chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có đến 3/6 chỉ tiêu đang biến động theo chiều hướng bất lợi”, Phó trưởng Đoàn giám sát Lê Quang Huy nói.

Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường...

Ngành năng lượng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu; tài nguyên năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết. Sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Đáng quan tâm, tiến độ hình thành thị trường điện triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra; vận hành thị trường điện gặp các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là điều kiện và cơ cấu ngành điện. Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, quy định về thời gian cho vay và gia hạn nợ còn bất cập, hạn chế.

Việc chuyển giao, tiếp nhận công trình điện do tư nhân đầu tư sang Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, vận hành còn vướng mắc trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu nhà nước, chuyển giao, tiếp nhận tài sản. Cơ chế mua bán điện trực tiếp đối với trường hợp đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch; các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần.

Giá truyền tải điện quá thấp, không thu hút được nhà đầu tư làm dự án lưới điện; còn duy trì bù chéo, giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn mức giá cho nhóm khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh, chưa phù hợp với mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất thâm dụng điện.

Chính sách giá năng lượng sơ cấp còn bất cập như việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ; việc xây dựng khung giá phát điện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ chế khuyến khích hiện nay chưa đủ sức thu hút các nhà máy điện BOT tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh thực hiện còn chậm; chưa xây dựng được cơ chế tài chính và hoàn thành việc chuyển Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV.

Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước còn bị động, thiếu hụt nguồn cung và vướng mắc trong cơ chế điều hành. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu khoảng 20-30%; có 2 doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước, đáp ứng 70-75% nhu cầu nội địa, nếu bị ngừng sản xuất do duy tu, bảo dưỡng kéo dài thì ảnh hưởng ngay đến thị trường trong nước. Trong giai đoạn gần đây, thị trường xăng dầu trong nước bị động và thiếu hụt nguồn cung và gặp những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế điều hành giá…

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kha-nang-thieu-dien-trong-ngan-han-trung-han-dai-han-la-nguy-co-hien-huu-161489.html