Khả năng 'thỏa thuận thế kỷ' Israel - Palestine được quay lại đàm phán dưới thời ông Trump

Thỏa thuận thế kỷ về cuộc xung đột Israel - Palestine có khả năng sẽ được đưa trở lại bàn đàm phán khi ông Trump quay lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Ông Donald Trump và ông Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại Washington, D.C. ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Donald Trump và ông Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại Washington, D.C. ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Brian Hook, đặc phái viên về Iran của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, cho biết tổng thống đắc cử sẽ tiếp tục tìm cách cô lập và làm suy yếu Iran. Ông đồng thời nói rằng thỏa thuận thế kỷ về cuộc xung đột Israel - Palestine có khả năng sẽ được đưa trở lại bàn đàm phán khi ông Trump quay lại Nhà Trắng.

Phát biểu trên kênh CNN, ông Hook từ chối bình luận về vai trò tiềm năng của ông trong chính quyền thứ hai của ông Trump. Trước đó, kênh truyền hình Mỹ đưa tin ông Hook sẽ lãnh đạo nhóm chuyển giao tại Bộ Ngoại giao, trích dẫn ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Không khẳng định bất kỳ thông tin nội bộ nào, cựu quan chức Bộ Ngoại giao cho biết ý định về chính sách đối ngoại của ông Trump “ẩn trong tầm nhìn”, ám chỉ đến các quyết định của tổng thống đắc cử trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017 đến năm 2021.

Ông Trump có quan điểm cứng rắn với Iran. Ông đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran và thực hiện chiến dịch trừng phạt “gây sức ép tối đa” đối với quốc gia này. Trong khi đó, ông đã vun đắp mối quan hệ với các quốc gia Arab, cuối cùng là làm trung gian cho Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia Hồi giáo.

“Tổng thống đắc cử cho rằng động lực chính của sự bất ổn ở Trung Đông ngày nay là Iran”, ông Hook lập luận.

Cựu đặc phái viên về Iran cũng cáo buộc chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã thực hiện “chính sách xoa dịu và hòa giải với Iran, dẫn đến thất bại trong việc răn đe”, vì không ai tin rằng nước Mỹ có mối đe dọa đáng tin cậy về vũ lực quân sự.

Iran ủng hộ Hamas, lực lượng đã tấn công Israel vào năm ngoái, bắt đầu cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza. Phong trào Hezbollah ở Liban – lực lượng thân Iran khác, cũng đã tham gia cuộc chiến ngay sau đó cùng các phong trào khác trong khu vực. Iran cũng đã tấn công trực tiếp Israel hai lần kể từ khi xung đột nổ ra.

Cựu cố vấn của ông Trump cho biết Vùng Vịnh là khu vực năng động nhất về kinh tế và sôi động nhất về văn hóa trên thế giới hiện nay. Ông cáo buộc Iran là trở ngại chính đối với sự phát triển của khu vực này.

Ông Hook cũng cáo buộc chính quyền của ông Biden đã làm tăng khác biệt giữa các đối tác của Mỹ. Những bình luận này có thể là một sự ám chỉ gián tiếp đến những lời chỉ trích mà Nhà Trắng nhắm vào Israel về việc tiến hành cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza và các lệnh trừng phạt đối với những người định cư ở Bờ Tây – với cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người dân Palestine địa phương.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) gặp ông Brian Hook, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, tại Văn phòng Thủ tướng ở Jerusalem vào ngày 15/11/2018. Ảnh: GPO/Times of Israel

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) gặp ông Brian Hook, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, tại Văn phòng Thủ tướng ở Jerusalem vào ngày 15/11/2018. Ảnh: GPO/Times of Israel

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông Hook cho biết kế hoạch hòa bình của ông Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine – còn gọi là “thỏa thuận thế kỷ” – có khả năng sẽ được đưa trở lại bàn đàm phán trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump. Song ông lưu ý nhu cầu về giải pháp hai nhà nước đã giảm đi sau cuộc tấn công của Hamas.

Kế hoạch này – phần lớn được Jared Kushner, con rể và cựu cố vấn cấp cao của ông Trump, soạn thảo và công bố vào năm 2020 – cho rằng Israel có thể sáp nhập tất cả các khu định cư ở Bờ Tây, trong khi trao cho người Palestine con đường dẫn đến giải pháp một nhà nước - bán tiếp giáp với phần lãnh thổ còn lại.

Kế hoạch này đã nhanh chóng bị Chính quyền Palestine bác bỏ, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hoan nghênh nó với sự dè dặt. Các đồng minh của ông cũng đã “dội gáo nước lạnh” vào đề xuất này bởi đề xuất bao gồm giải pháp một nhà nước Palestine tiềm năng.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Saudi Arabia rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel là không thể, nếu nhà nước Palestine không được thành lập, ông Hook nhấn mạnh: “Phần lớn đề xuất đó vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay”. Ông nói thêm rằng đề xuất này bao gồm tất cả các điều kiện mà Riyadh đang tìm kiếm để bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tuy nhiên, ông Hook nói “không ai có tâm trạng” để thảo luận về giải pháp hai nhà nước sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, khi hàng nghìn tay súng Hamas đã tấn công miền Nam Israel từ Gaza, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 251 con tin, bắt đầu cuộc chiến đang diễn ra.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo ToI)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/kha-nang-thoa-thuan-the-ky-israel-palestine-duoc-quay-lai-dam-phan-duoi-thoi-ong-trump-20241108194930100.htm