Khác biệt không được thừa nhận
Trong những gia đình nơi mà sự khác biệt được phớt lờ, tổn thương sẽ hình thành một cách âm thầm và dai dẳng.
Phản ứng của gia đình trước sự khác biệt của một đứa trẻ đôi khi chỉ đơn giản là tránh né. Nhiều người lớn tự thuyết phục bản thân rằng nếu họ cứ ngó lơ và không để ý thì điều đó sẽ không còn tồn tại, hoặc ít ra là họ sẽ không phải đối mặt với nó. Đôi khi người lớn làm điều này để bảo vệ chính mình, và đôi khi họ làm vậy vì nghĩ rằng họ đang bảo vệ con.
Nhưng như tôi luôn nói, bạn không thể né tránh con đường hướng đến sự chữa lành. Và bạn cũng không thể né tránh con đường hướng đến sự chấp nhận, hòa hợp. Khi một gia đình phản ứng trước sự khác biệt của bạn bằng cách phớt lờ và né tránh, thì không có gì lạ khi trong bạn sẽ hình thành một vết thương thuộc về.

Nếu từng bị phủ nhận, phớt lờ hoặc né tránh, bạn sẽ biết việc bắt đầu nghi ngờ về trải nghiệm và sự thật của chính mình dễ dàng đến thế nào.
Tôi gặp Trish năm 2015, nhưng đến giờ vẫn nhớ rõ câu chuyện của cô ấy. Trish bị bại não. Đó là một chứng bệnh bẩm sinh ảnh hưởng đến khả năng vận động, trương lực cơ và tư thế của cô. Trish bước đi khập khiễng và ngồi xuống, đứng lên vất vả hơn nhiều so với một người bình thường. Tuy vậy, gia đình Trish chưa bao giờ nói về chứng bệnh của cô. “Mỗi lần tôi hỏi họ tôi có gì khác thường thì họ sẽ nói không có gì cả. Họ muốn tôi bình thường đến mức cứ giả vờ như không có chuyện gì. Họ hoàn toàn phớt lờ chứng bệnh bại não của tôi".
Đây là một sự bất ổn rất lớn đối với Trish. Cô biết có điều gì đó khác thường nhưng gia đình cô lại không thừa nhận. Bạn bè ở trường ngày nào cũng chế nhạo cô, nhưng khi về nhà và cố tìm hiểu, cô lại nghe rằng chỉ tại bọn trẻ “xấu tính” thôi chứ không có gì bất thường ở đây cả. Cha mẹ Trish cố gắng bảo vệ con, nhưng rốt cuộc chỉ gây thêm bất ổn và bối rối. Andrew Solomon, giáo sư tâm lý học y khoa lâm sàng và là tác giả của một trong những quyển sách bán chạy nhất của New York Times, Far from the Tree (tạm dịch: Không giống lông cũng không giống cánh), đã nói đến đặc tính ngang (horizontal) - những nét tính cách ở một đứa con xa lạ với cha mẹ, như khuyết tật về thể chất - và những đặc tính ngang này thường được coi là sai sót, cần sửa chữa, thay vì được chấp nhận và dung dưỡng.
Trish đã tự cảm thấy bản thân khác biệt vì căn bệnh bại não, và mặc dù không có ý định làm cô tổn thương, nhưng việc gia đình tránh nhắc đến những khác biệt của cô thay vì tôn trọng đã khiến vết thương trong cô càng thêm trầm trọng. Trish cần cha mẹ tìm cách thu hẹp khoảng cách, tìm cách đối mặt với bất kỳ nỗi sợ hãi hay nghi ngờ nào mà điều ấy đã kích hoạt ở họ.
Cô cần họ về phe của mình, cam kết tìm ra con đường tốt nhất để cùng nhau tiến về phía trước. “Có một cơ thể khác biệt đã đủ khó khăn rồi, nhưng có cha mẹ thậm chí không thể thừa nhận điều đó và nỗi đau khi bạn phải van xin họ chấp nhận thì thật quá sức chịu đựng. Tình trạng này đã thật sự làm tôi xáo trộn suốt một thời gian dài, đến tận bây giờ tôi vẫn đang cố gắng giảng hòa với nó”, cô nói.
Nếu từng bị phủ nhận, phớt lờ hoặc né tránh, bạn sẽ biết việc bắt đầu nghi ngờ về trải nghiệm và sự thật của chính mình dễ dàng đến thế nào. Theo thời gian, điều này có thể làm bạn mất đi tự tin, khiến bạn không còn chắc chắn hay tin tưởng vào bản thân nữa. Trong trạng thái yếu đuối như vậy, bạn có thể sẽ thay đổi bản thân để hòa hợp hoặc chấp nhận mình là người ngoài cuộc.
Nguồn Znews: https://znews.vn/khac-biet-khong-duoc-thua-nhan-post1548947.html