Khác biệt về tính cách giữa những đứa trẻ hoạt ngôn và trầm tính

Tính cách sẽ quyết định đến hành vi và suy nghĩ của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến thái độ sống và học tập sau này. Vì vậy, cha mẹ nên chú trọng đến việc định hình tính cách tích cực cho con mình ngay từ khi còn nhỏ.

Giáo sư Lý Mỹ Kim (Trung Quốc) cho biết, từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc định hình 85 - 90% tính cách của một đứa trẻ sau này. Môi trường sống và cách giáo dục khác nhau sẽ dẫn tới những đứa trẻ có những tính cách không giống nhau.

Không khó để nhận ra, một số trẻ từ bé đã rất năng động, hoạt ngôn nhưng số khác lại trầm tính, ít nói. Sự khác biệt của những đứa trẻ này khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng trong tương lai như thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những đứa trẻ ít nói, không thích giao tiếp

Khi trẻ còn nhỏ, hành động khóc là để chúng bày tỏ sự không hài lòng của mình. Khi trẻ 2 - 3 tuổi, chúng sẽ nói "không" với những gì mình không thích. Do đó, khi trẻ không hài lòng về điều gì đó, chắc chắn chúng sẽ bày tỏ bằng một cách nào đó, có thể là khóc hoặc nói. Tuy nhiên, những đứa trẻ không thích nói lại, im lặng, mặc kệ. Điều này có thể là dấu hiệu của 2 kiểu tính cách khi lớn lên.

Thiếu chính kiến

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ quen với việc nghe theo lời của cha mẹ, không được phép bộc lộ suy nghĩ của mình thì lớn lên, các con sẽ ngại bày tỏ, ngại phản bác và thậm chí là âm thầm chịu đựng những bất bình.

Bất cần mọi thứ

Những đứa trẻ này luôn cảm thấy chán nản, mặc kệ mọi thứ. Chúng chú tâm rất nhiều vào trạng thái tâm lý bản thân mà phớt lờ, không phản bác hoặc bày tỏ bất kỳ điều gì về những điều chúng không thấy hứng thú.

Trên thực tế, 2 tính cách này không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ. Nguyên nhân chính khiến trẻ phát triển tính cách như vậy là do cách giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có vấn đề.

Dù còn nhỏ nhưng trẻ cũng có những suy nghĩ của riêng mình. Nếu cha mẹ có thói quen phớt lờ suy nghĩ của con cái hoặc bác bỏ suy nghĩ của trẻ, vì cho rằng suy nghĩ của chúng không đáng tin cậy, không có giá trị, trẻ có thể cảm thấy bản thân không được tôn trọng.

Nếu không được tôn trọng, trẻ sẽ không đưa ra bất kỳ điều gì để bảo vệ ý kiến của mình, cứ nhắm mắt nghe theo mọi sự sắp đặt của cha mẹ.

Chính vì vậy, ngay từ khi con còn bé, bố mẹ nên quan tâm chăm sóc và chủ động nói chuyện, chia sẻ nhiều hơn với trẻ. Đồng thời cần kiên nhẫn và lắng nghe trẻ nhiều hơn, tạo cơ hội để các con bộc lộ suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên động viên con tham gia hoạt động mà bản thân chúng luôn rụt rè, sợ hãi. Hành động này sẽ giúp con thoát khỏi vòng an toàn và tự tin hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc cha mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ còn giúp trẻ có vùng ngôn ngữ vận động phát triển mạnh mẽ hơn, theo nghiên cứu của nhóm các giáo sư, nhà khoa học đến từ ĐH Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Pennsylvania.

Đây là vùng não tập trung sản xuất lời nói và xử lý ngôn ngữ. Khi trẻ trò chuyện nhiều, vùng ngôn ngữ vận động sẽ hoạt động tích cực. Qua đó, những đứa trẻ được giao tiếp thường xuyên sẽ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra về ngôn ngữ.

Trò chuyện thúc đẩy mối quan hệ gia đình, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ. Khi được nói chuyện, trao đổi, trẻ có cơ hội phát triển nhiều kỹ năng cùng một lúc như tư duy, phản biện, chia sẻ, lắng nghe.

Những đứa trẻ hoạt ngôn, nói nhiều

Trái ngược với những trẻ trầm tính, ít nói, trẻ hoạt ngôn đều là những đứa trẻ hướng ngoại. Chúng sẽ có xu hướng tập trung nhiều năng lượng vào thế giới bên ngoài nên ít khi có cảm giác một mình, cô đơn. Trẻ sẽ tự tin bày tỏ ý kiến của mình, bộc lộ điều mình thích hoặc cảm thấy không thích.

Nhờ tính cách này mà trẻ tự tin hơn, khả năng giao tiếp cũng tốt hơn, giỏi diễn đạt, không lo lắng sợ hãi khi nói trước đám đông, tính quản giao là lợi thế. Trong tương lai, những đứa trẻ như thế này thường rất tự lập, đây là ưu điểm của những trẻ hoạt ngôn.

Mặc dù trẻ hoạt ngôn, thích nói lại là tốt, nhưng mọi thứ vẫn cần phải được kiểm soát. Bởi trẻ những đứa trẻ này thường dễ tác động bởi bên ngoài, dễ mất tập trung khi học tập. Vì vậy, nếu cha mẹ nhận thấy con mình có vẻ thích nói lại và mất tập trung thì cần phải có biện pháp kỷ luật.

Trẻ hoạt ngôn thích thể hiện bản thân, muốn thu hút sự chú ý của người khác. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc tự tin và tự phụ mong manh và trẻ chưa nhận thức được nên bố mẹ cần lưu ý để dạy bảo con đúng cách. Khuyên con khi thể hiện bản thân, trẻ không cần phải tỏ ra kiêu ngạo. Nếu nói với giọng điệu bình tĩnh, người khác sẽ chú ý lắng nghe hơn.

Phương Anh (Theo Aboluowang)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/khac-biet-ve-tinh-cach-giua-nhung-dua-tre-hoat-ngon-va-tram-tinh-d200992.html