Khắc chế 'vi rút' trì trệ

Lâu nay, tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, trì trệ, thiếu sáng tạo, thậm chí là vi phạm kỷ luật, pháp luật… đã trở thành vấn đề nóng của dư luận xã hội và cả trên bàn nghị sự. Làm thế nào để khắc chế 'vi rút' trì trệ, thúc đẩy cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm.

Sáng 24-10 vừa qua, phát biểu thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Song, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ hạn chế, khó khăn còn nhiều; nguyên nhân khiến tình trạng làm việc không hiệu quả là do cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm...

Thực tế trong mỗi tổ chức, cá nhân luôn tồn tại sức ỳ có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển. Đó có thể là thói quen từ chủ nghĩa kinh nghiệm ăn sâu; là căn bệnh xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân; là lề lối, phương pháp, tác phong công tác hình thức, thiếu khoa học, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng trong quá trình phát triển, những biểu hiện tư duy nhiệm kỳ và tư tưởng “cuốc giật vào lòng”, “ăn xổi ở thì”, “bóc ngắn cắn dài” đã khiến cho một số cán bộ, đảng viên có tư tưởng “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý” hơn là nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ và tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình đã khiến cho tinh thần sáng tạo, dấn thân bị giảm sút. Biểu hiện rõ nhất, là chỉ vì lợi ích của cá nhân mà nhắm mắt làm ngơ trước những việc làm không mang lại hiệu quả thiết thực, không làm lợi cho dân, cho nước. Quyền lực, cám dỗ từ lợi ích, công việc đã trở thành đích đến, lấn át tinh thần cống hiến, hy sinh, khiến một số cán bộ, đảng viên né tránh, sợ trách nhiệm.

Để giải quyết triệt để tình trạng này, vào tháng 1-2023, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải chấn chỉnh việc làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… Cùng với đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là thời cơ tốt để cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý thay đổi tư duy, dũng cảm đấu tranh và loại bỏ “vi rút” trì trệ.

Là hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết ở cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cần bám sát tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ, bám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội; đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng, hiệu quả. Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra tiến độ với các mốc thời gian; lượng hóa công việc thành chỉ tiêu cụ thể; phân công nhiệm vụ rõ ràng; tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh bảo vệ tính nguyên tắc, cái đúng, cái tiến bộ; phê phán, loại bỏ cái sai trái, lạc hậu, những biểu hiện của tư tưởng làm việc cầm chừng, tác phong làm việc hời hợt, thiếu sâu sát. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để phát huy những kết quả, ưu điểm đã đạt được và kịp thời chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế.

Thực tế cho thấy, việc động viên tinh thần, khen thưởng, khuyến khích bằng lợi ích vật chất trong thực thi nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong thời điểm quyết định có ý nghĩa rất lớn. Cán bộ chủ trì cần nắm chắc những thời điểm mang tính quyết định trong thực thi nhiệm vụ để kích hoạt sự cố gắng, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của cấp dưới. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng biện pháp này bởi nó dễ hình thành thói quen chủ quan trong kiểm tra, giám sát, dễ dẫn tới tình trạng khoán trắng, chạy đua thành tích, làm việc hình thức, hiệu quả công việc không thiết thực.

Suy cho cùng, “vi rút” trì trệ đều xuất phát từ công tác cán bộ yếu kém. Nếu công tác này được các cấp ủy Đảng làm tốt thì sẽ đánh giá, chọn lựa được những cán bộ tài đức, năng lực, có tâm ý cống hiến, sáng tạo trong công tác. Quá trình công tác, cấp ủy, cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thường xuyên phát hiện ra những chồng chéo, điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là sự ách tắc trong phối hợp để tháo gỡ. Đồng thời, phát hiện ra những cá nhân tích cực, những nhân tố mới có năng lực để sử dụng. Bên cạnh đó, cấp ủy, người chủ trì cũng cần phát hiện ra những cán bộ, công chức có tư tưởng, hành vi cản trở, gây khó khăn, chây ỳ trong công tác. Kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành sự phân công hoặc lợi dụng việc thực hiện đề xuất để né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Kết luận số 14-KL/TƯ, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ra đời và các quy định của Đảng, Nhà nước về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới chính là thời cơ vàng để các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc chế triệt để “vi rút” trì trệ. Đây cũng chính là cơ hội để mỗi tổ chức, cá nhân điều chỉnh phương pháp, tác phong công tác theo hướng hiệu quả thay vì tư duy “chờ lệnh” ăn sâu bấy lâu nay.

Theo Báo Hà Nội Mới điện tử

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/khac-che-vi-rut-tri-tre-184455.html