Khắc ghi lời Bác mỗi ngày

Tại TP Hồ Chí Minh, ở một địa bàn còn khó khăn lại 'bất ngờ' xuất hiện nhiều việc làm nhân ái, lan tỏa tình thương và trách nhiệm cộng đồng. Ghi nhận công tác hỗ trợ an sinh xã hội tại một đơn vị 'tóc dài' luôn làm theo lời Bác Hồ dạy.

Vừa đứng lên rời bàn máy may, chị Trần Cẩm Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11 vươn vai cho đỡ mỏi lưng. Ngày nào chị Hà và các chị em trong Hội cũng tổ chức may khẩu trang hai lần/ngày ở nhiều địa điểm trong quận. Việc chia ca ra may khẩu trang, theo các chị là để tận dụng mọi “nguồn lực nhàn rỗi làm việc có ý nghĩa”. Chính vì thế mà chỉ khoảng gần hai tháng qua, các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11 đã may và phát miễn phí hơn 12 nghìn chiếc “khẩu trang nghĩa tình”. Và nghĩa tình nhất, đó là thông qua hành động thiết thực của các chị, nhiều nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh đã đóng góp thêm 500 phần quà trị giá 150 triệu đồng để các chị chăm lo thêm cho người khó, người nghèo. Đây là con số ý nghĩa trong một thời điểm vận động ngắn hạn, trên cơ sở một quận nhỏ, không giàu, lại đông dân như quận 11.

Cũng như chị Hà, bà Đặng Thị Minh Nguyệt (phường 7) đã tạm gác công việc kinh doanh mua bán và chuẩn bị xuống địa bàn. Số là người hội viên phụ nữ này từ lâu đã nhận bảo trợ 10 hộ gia đình khó khăn, neo đơn với cách hỗ trợ là: Mỗi tháng mỗi gia đình được phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng. Chị Ngô Thanh Tú, người nhận hỗ trợ, cho biết: “Tôi bị bệnh ung thư máu, ngoài quà ra, cô Nguyệt còn giúp tôi 10 triệu đồng để điều trị bệnh”. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 11, những công việc lặng thầm của bà Nguyệt rất ý nghĩa, thiết thực.

Có thể kể ra rất nhiều tấm gương trung hậu, bao dung như trường hợp nữ đảng viên, giáo viên Phan Thụy Mộng Thu (phường 15) luôn có nhiều sáng kiến hỗ trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 15 làm các sự kiện hấp dẫn, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Còn trong công tác, ít người biết chị còn vận động tặng đồng phục, hỗ trợ tiền học phí các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Em Ngô Thái Gia Phúc chia sẻ: “Dạo đó gia đình muốn cho em nghỉ học. Cô tìm hiểu và vận động cho gia đình em số tiền được 20 triệu đồng để vượt qua khó khăn nhất thời, để em tiếp tục đến lớp. Sau đó cô đến tận nhà em tìm hiểu, rồi xin cho mẹ em 35 triệu đồng để thay chân giả và 10,5 triệu đồng để hỗ trợ hai mẹ con em. Cô Thu là mẹ thứ hai của em”.

Đó còn là bếp ăn từ thiện của bà Chu Thị Kim Anh (phường 4) nấu 1.000 suất cơm dinh dưỡng miễn phí cho các bệnh viện và 20 suất cơm cho các cụ già neo đơn, kinh phí mỗi tuần nấu khoảng 10 triệu đồng/lần được bà vận động từ gia đình, người thân và bạn bè. Mấy tuần nay, bếp ăn của bà đã tăng công suất gần gấp đôi vì nơi đặt bếp ăn gần đây có thêm những người bán vé số đang gượng đứng dậy sau mùa dịch; hay như mô hình của bà Quách Thu Ngọc (phường 12) luôn tặng gạo chị em nghèo trong phường kèm theo điều kiện: “phải báo tin tốt-nhận gạo liền tay”. Thế nên mỗi khi có ai đến kể “thằng con hết nghiện game”, “ông chồng bớt nhậu”, “chị Tư không còn đánh bài”, “dì Sáu mới có việc làm thêm tại nhà”… là bà Ngọc trao cho người kể 5 kg gạo. Chính cách làm ấy đã động viên người khó khăn vươn lên, hướng thiện và các mẩu chuyện đều được bà Ngọc lưu giữ, truyền tai và chia sẻ cho nhiều người cùng biết;…

Thường trực Quận ủy 11 nhận định, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phụ nữ và trẻ em. Người thấu hiểu được sự vất vả, hy sinh thầm lặng của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Không những tham gia kháng chiến mà họ còn phải cáng đáng việc nhà để chồng con yên tâm đi đánh giặc. Ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ... đều do các chị, các mẹ gánh vác. Và chị em phụ nữ quận 11 hôm nay - với nhiều việc làm thiết thực, đều rất xứng đáng nhận lời khen của Bác.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44823702-khac-ghi-loi-bac-moi-ngay.html