Khắc khoải đồ chơi Việt

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em bắt đầu sôi động. Nhưng giữa đông đúc và đa dạng các loại đồ chơi trên thị trường, để tìm được những mặt hàng đồ chơi thương hiệu Việt Nam thật không dễ. Nhiều người chợt chạnh lòng khắc khoải nhớ về một thời những đèn kéo quân, mặt nạ, đèn ông sao, tàu thủy... độc chiếm ở các phố bán đồ chơi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khách hàng rất khó tìm mua được đồ chơi thương hiệu Việt Nam tại các cửa hàng trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm).

Mỏi mắt tìm đồ chơi Việt Nam

Trước đây, cách dễ nhất tìm mua được đồ chơi Việt Nam là chỉ cần đến phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) có thể mua được rất nhiều đèn lồng, diều, trống, búp bê... Tuy nhiên, vài năm gần đây, những sắc màu rực rỡ của đèn lồng, diều, đồ chơi xuất xứ nước ngoài (đa phần là hàng Trung Quốc) với giá rẻ hơn đã chiếm trọn tuyến phố chuyên bán đồ chơi nổi tiếng này. Người tiêu dùng phải mất công hỏi thì mới tìm mua được hàng xuất xứ Việt Nam. Bởi, theo bà Nguyễn Thị Thanh, một người bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết, năm ngoái mẫu mã của Việt Nam có gì thì năm nay doanh nghiệp Trung Quốc tung ra đồ chơi có mẫu mã đẹp hơn, giá rẻ hơn rất nhiều, vì thế người tiêu dùng ít chọn hàng Việt Nam. “Nắm bắt sở thích của khách hàng, chúng tôi buộc phải nhập hàng xuất xứ Trung Quốc để bán”, bà Thanh cho hay.

Trong vai người mẹ tìm mua đồ chơi cho con trai 2 tuổi, phóng viên Báo Hànôịmới ghé vào Văn Can Toy, cửa hàng đồ chơi lớn nằm ngay góc ngã tư phố Hàng Quạt - Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm). Phía trong cửa hàng rộng gần trăm mét vuông, đồ chơi được xếp la liệt trên các giá, kệ. Tuy nhiên, khi nghe phóng viên tỏ ý muốn mua vài món đồ chơi Việt Nam, mấy nhân viên trẻ ngơ ngác tìm kiếm rồi chỉ vào một góc kệ nhỏ sát mặt đất cạnh chân cầu thang: “Đồ chơi Việt Nam thì chỉ có mấy món kia thôi ạ. Vì rất ít người mua nên nhà em không nhập hàng”. Nói rồi một nam nhân viên lôi ra mấy hộp cá ngựa và bảng học chữ cái, bảng phi tiêu nam châm bằng gỗ của Công ty Gia Bảo, đồ chơi gỗ cao cấp của Công ty TNHH VIVITOYS Việt Nam… Tất cả đều phủ bụi trắng do đã lâu chưa có người đụng tới.

Ở phía đối diện, hai cửa hàng đồ chơi tại số 30-32 Lương Văn Can dù đã bày biện hàng hóa tràn kín vỉa hè nhưng khi khách hàng hỏi mua đồ chơi của Việt Nam, chủ các cửa hàng đều lắc đầu.

Tại một cửa hàng bán đồ chơi tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình), một chiếc xe ô tô bằng thép với kích thước thu nhỏ giống hệt phiên bản thật của hãng đồ chơi Siku Trung Quốc có giá 200.000-300.000 đồng, trong khi một sản phẩm ô tô làm bằng chất liệu gỗ của Việt Nam trông đơn điệu lại có giá tương tự. “Đơn giản, một đàn vịt nhựa của Việt Nam có giá 90.000-100.000 đồng nhưng hàng Trung Quốc giống hệt chỉ có giá 40.000-50.000 đồng, chắc chắn khách sẽ chọn giá thành rẻ hơn”, chủ cửa hàng ở ngõ 379 Đội Cấn cho biết.

Tương tự, tại cửa hàng bán đồ chơi trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), đồ chơi cho trẻ em do Việt Nam sản xuất cũng rất ít. Chị Trần Thu Trang (phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) cho biết: "Tôi đang tìm mua bộ đồ chơi xếp hình bằng gỗ cho con trai 5 tuổi. Tuy nhiên, sau khi chủ hàng lục lọi gần 10 phút trong kho để đưa cho cháu bé xem thì bé nhất định không đồng ý vì… không giống đồ chơi cháu xem trên ti vi".

Anh Nguyễn Văn Nam bán đồ chơi ở phố Hàng Giầy (quận Hoàn Kiếm) thẳng thắn trả lời khách khi hỏi sản phẩm đĩa bay do Việt Nam sản xuất: “Mẫu đấy đã không bán từ 1 năm nay rồi. Mà ở đây không bán đồ chơi Việt Nam đâu”.

Cần những bước cải tiến mạnh mẽ

Tình trạng mỏi mắt tìm đồ chơi Việt Nam cũng xảy ra tại các hệ thống cửa hàng mẹ và bé nổi tiếng như BiboMart, Kids Plaza, Hồng Minh baby… Tại các hệ thống này, đồ chơi Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10-15% thị phần, trong đó chủ yếu là các sản phẩm bằng nhựa và gỗ như: Kệ chữ A cho bé có nhạc, bộ đồ chơi bowling, bộ học chữ và số đa năng tiếng Việt.

Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng khó khăn để tìm đồ chơi Việt Nam là do mẫu mã đơn điệu, chất liệu cũ, giá thành cao. Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài lại nhạy bén trong việc sản xuất hàng nhái với giá thành rẻ. Đơn cử, khi chúng tôi vừa ngỏ ý chỉ muốn mua sản phẩm thú nhồi bông do Việt Nam sản xuất, bà chủ cửa hàng đồ chơi tại số 32 Lương Văn Can giải thích: “Gọi là hàng Việt Nam, nhưng tất cả đều là nguyên liệu của Trung Quốc, Việt Nam không sản xuất được gì. Chúng tôi toàn mua bông, vỏ của Trung Quốc về tự nhồi!?”.

Nhiều đơn vị phân phối đồ chơi Việt Nam cho biết, họ buộc phải chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty TNHH Thanh Phúc (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Văn Thảo chia sẻ, vài năm trước công ty nhập đồ chơi vận động, sáng tạo và ngoài trời của Việt Nam về bán. Tuy nhiên, qua vài lần nhập hàng, công ty nhận thấy đồ chơi màu sắc, mẫu mã không đa dạng, đặc biệt giá thành không hề rẻ, vì thế công ty đã chuyển hướng, tìm mối đồ chơi xuất xứ nước ngoài để kinh doanh.

Chia sẻ khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội Vũ Xuân Dương cho biết, có nhiều đơn vị vừa tung ra sản phẩm đồ chơi mới, chưa được bao lâu đã bị sao chép, bán ra với giá thành rẻ hơn, khiến hàng Việt Nam có bản quyền bị ế ẩm. Ngoài ra, theo Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Cánh Diều Trần Thị Kim Hoa, có nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi Việt Nam đã dán tem Việt Nam vào sản phẩm nhái, hàng Trung Quốc để bán cho khách hàng, khiến cho người tiêu dùng có cái nhìn sai lệch về hàng Việt Nam. Vì vậy, bà Hoa cho rằng, chính kiểu kinh doanh như thế đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi từ chất liệu sạch, an toàn, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng trên thị trường.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn như thu giữ, phạt nặng hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng lưu thông, bày bán ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều chủ hàng vẫn tìm mọi cách để kinh doanh, thu lợi nhuận, chỉ bán hàng ngoại nhập, nhiều mặt hàng có tem nhãn mác, sản xuất trong nước lại không được bày bán, đó chính là rào cản lớn cho sự phát triển đồ chơi Việt Nam.

Có nhiều đơn vị sản xuất đồ chơi Việt Nam đã tìm ra những bước cải tiến mạnh mẽ để thích nghi với nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với sự tấn công mạnh mẽ của các đồ chơi nhập khẩu đẹp, rẻ, doanh nghiệp Việt Nam rất khó chiếm được ưu thế. Bên cạnh các biện pháp xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái, tăng cường tuyên truyền người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ, nắm bắt đúng thị hiếu, có thế mới tìm được chỗ đứng, dần chiếm lĩnh thị trường, để người tiêu dùng không còn khắc khoải tìm những món đồ chơi thuần Việt cho con em mình.

Nga Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/977664/khac-khoai-do-choi-viet