Khắc khoải Pơ thi
Tháng 3 là mùa Ning Nơng, cũng là mùa Pơ thi. Biết có còn Pơ thi nào, diễn ra ở đây khi lũ trẻ Jrai đã tìm thấy niềm tin khác. Ngay cả những chủ nhân Pơ thi hôm nay cũng không trả lời được điều này.
Ngày tiễn đưa...
Già làng Rơ Châm Ngói của buôn Bầu (xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) cứ thầm thì trong đêm Pơ thi (lễ bỏ mả) rằng đó không chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự sống của một con người cụ thể. Nó là ân nghĩa, là văn hóa, là cách người sống tri ân người quá cố, gửi gắm tâm tình vào người quá cố, biểu hiện sự thủy chung giữa con người với con người, níu kéo kỷ niệm, thời gian, đầy tính nhân văn trong hành vi ứng xử tốt đẹp của con người.
Tôi chưa hiểu lắm nhưng rồi chợt nhận ra những điều mà già chưa nói cứ rưng rưng trong mắt, cứ mênh mang trong đêm lửa đại ngàn hoang hoải mãi...
Buôn Bầu nằm cách xa phố thị, bởi chỉ ở nơi đó hồn bazan mới còn đọng lại vẹn nguyên trước sức tàn phá không ngừng nghỉ của văn minh thời đại. Khi những gùi lúa đã nằm yên trong kho, khi pơ lang thắm đỏ trời trong vắt, buôn Bầu lại tất bật cho một lễ trọng sắp diễn ra. Mọi người cứ mải miết đi về phía cuối làng, nơi một cánh rừng còn lại.
Nhưng, đó không phải là rừng bình thường, đó là khu nhà mồ của làng. Bóng mát của những cổ thụ trăm năm rợp cả một khoảng không rộng mênh mông. Trên khoảnh đất ấy, hàng chục nhà mồ nằm rải rác, hoang phế. Hàng trăm tượng mồ mới, cũ thinh lặng dưới bóng mát cổ thụ, nơi đó đang chuẩn bị diễn ra lễ Pơ thi của người Jrai.
“Những nhà mồ này là của lễ bỏ mả nhiều năm trước. Khu nhà mồ của làng đã có từ hàng trăm năm nay, người Jrai ở buôn Bầu nằm ở đây nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Mình dự bao nhiêu Pơ thi của làng cũng không nhớ nữa!”, già làng Rơ Châm Ngói chậm rãi nói, giọng buồn như giọt mưa rớt trên vách nhà sàn, bởi có thể đây sẽ là Pơ thi cuối cùng của làng mà già được dự.
Với người Jrai ngàn đời ở mảnh đất này, nhà mồ của những người mới chết chỉ được dựng một cách sơ sài và họ quan niệm người chết có linh hồn. Thời gian đầu sau khi chết, linh hồn vẫn còn lưu luyến với cuộc sống trần thế nên cứ ở quanh quẩn nơi chôn cất. Vì thế, người thân mỗi ngày phải mang cơm nước đến cúng và quét dọn. Chỉ sau khi làm lễ Pơ thi phá bỏ nhà mồ cũ, dựng một nhà mồ mới lớn hơn, đẹp hơn thì linh hồn mới được siêu thoát, rời bỏ trần gian để đến với thế giới mới một cách nhẹ nhàng. Và cũng chỉ sau khi làm lễ Pơ thi, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết mới hoàn toàn cắt đứt. Những người góa chồng hoặc góa vợ có quyền đi bước nữa.
Gần trưa, mọi người lục tục kéo ra khu vực nhà mồ. Người gùi rượu, người gùi cơm lam, gùi nước... từ khắp mọi ngả đường hướng về phía những bóng cây cao. Những con trâu, con dê là lễ vật do chủ nhà của Pơ thi đưa đến được buộc lại dưới những chiếc cọc hướng về phía mặt trời mọc, sát vách nhà mồ mới dựng lên. Ngày hôm ấy là việc riêng của 5 gia đình, vì gom góp mãi mới đủ vật làm lễ nhưng lại là lễ hội lớn nhất của cả làng.
Gác mọi công việc, mọi nhà chuẩn bị cơm lam, đồ ăn thức uống mang ra khu vực nhà mồ tham gia cuộc vui. Khu nhà mồ đã có ở đó, từ trăm năm trước. Bao thế hệ người Jrai buôn Bầu đã lớn lên cùng những mùa lễ hội như thế.
Đêm của nước mắt và nụ cười
Gần một phần ba thế kỷ, bà Rơ Châm Ngun chết (năm 1990), ông Ksor Bút mới chịu chấm dứt mối ràng buộc với người đã sinh thành. Cẩn thận cột lại sợi chỉ đỏ trên dụng cụ để sợi, dệt vải bằng gỗ đã bóng màu thời gian, ông nói đây là kỷ vật duy nhất còn lại của người chết: “Hồi còn sống, bà già dệt vải bằng cái này. Nhưng, người chết, đồ vật cũng chết theo. Mình giữ nó lâu quá rồi, hôm nay phải bỏ nó đi, cho nó về với người chết”.
Hóa ra, 31 năm qua, dù mẹ ông không còn nhưng mối liên hệ chưa khi nào dứt. Và cũng chừng ấy thời gian, người nhà vẫn thay nhau mang cơm ra nhà mồ, kể cho người chết nghe chuyện nhà, chuyện làng mỗi ngày.
Ông Bút bảo sau lễ bỏ mả mới chấm dứt hoàn toàn với người chết. Nếu chưa bỏ mả thì người không còn sống nhưng chưa phải đã chết. Chết mới chỉ là sang một cõi khác, như một sự nghỉ ngơi. Vì thế mà người sống phải chia của cho người chết. Chia rất công bằng và chi li. Ngoài thông thường là gùi, bầu, chiêng, quần áo... có cả những chiếc xe đạp, tivi, đài... Tất cả được làm hỏng, đục thủng để phân biệt.
Vì thế, hằng ngày người sống vẫn mang cơm ra bón cho người chết qua một cái lỗ thông hơi mà khi lấp đất người ta cố tình để lại. Bón cơm và tâm sự với người chết, kể hết với người chết những gì xảy ra trong ngày, tâm sự và sẻ chia, giãi bày và an ủi đấy là một việc làm không thể thiếu của mỗi nhà khi chưa tổ chức Pơ thi...
Theo lệ thì cứ vài ba năm mới Pơ thi một lần. Nó là một lễ hội lớn, quan trọng, rất ý nghĩa, công phu, hoành tráng... và vẫn còn phía sau đấy những nỗi niềm, những quyến luyến, những ân nghĩa không thể rạch ròi ly biệt... Cứ nhìn những nhà mồ có hàng chục, vài chục chiếc ché, chiếc ghè với những tượng mồ bỏ đi từ mấy mươi năm vẫn còn đó, nguyên vẹn, sống động mới hiểu con người ở đây trân quý những giá trị cũ như thế nào.
Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng này, gia đình ông Bút góp một con trâu trị giá 22 triệu đồng, chưa kể tiền đóng góp để mua tôn lợp lại nhà mồ, mua heo và dê để cúng. Ông kể: “Mình chuẩn bị Pơ thi hơn một tháng rồi. Các gia đình phải vào rừng chặt tre nứa, tìm gỗ đẽo tượng. Hơn 100 người phải vào rừng ở làng Tip, xa lắm, đi mất cả ngày đường mới tới, mất gần một tháng mới kiếm đủ tre, đủ gỗ. Còn để có được của làm lễ này, mình nghèo nên dồn nhiều năm mới có được!”.
Trong đêm tiễn đưa, những đống lửa cháy lên ở khắp mọi nơi, chiếu sáng cả khoảng không dưới những tán cổ thụ im lìm. Không gian náo nhiệt bởi dòng người nườm nượp kéo về. Trong khi gia đình làm lễ cúng và khóc vĩnh biệt người chết thì bà con, dân làng đánh cồng chiêng, nhảy múa bên ngoài nhà mồ.
Đoàn cồng, chiêng, trống vừa đi vòng tròn quanh nhà mồ vừa biểu diễn. Già trẻ, trai gái cũng nhảy thành vòng tròn quanh mồ theo điệu nhạc. Các ghè rượu được buộc thành hàng vào những cây tre và được chia thành từng khu. Càng về khuya, các đống lửa càng rực sáng và cuộc vui càng đông, càng sôi động.
Không chỉ có người buôn Bầu, nhiều buôn khác cũng về tham gia lễ hội. Già trẻ gái trai có tới hàng trăm, người nối người khiến không khí lễ hội đã đặc quánh trong hơi người và men rượu. Đêm nay, đêm cuối cùng người sống “sống” với người chết, đêm cuối cùng để rồi tiễn đưa người chết về với thế giới khác... Chiêng trống bắt đầu nổi lên dồn dập, thúc giục. Những người già người trẻ, những gái những trai mắt sáng rực như sao trời không rời tai khỏi những nhịp chiêng mỗi lúc càng nhanh. Thanh niên kéo đến nhà mồ mỗi lúc một đông. Vòng xoang đã lên đến hàng chục, hàng trăm nhưng vẫn không ngừng dài thêm, miên man hoang dại mãi...
Người chủ lễ, già làng Rơ Châm Ngói vẫn lặng lẽ theo dõi mọi thứ, lúc này mới vào trong nhà mồ. Già ngồi im lặng trước những cái tên được chạm khắc cẩn thận, tay chống cằm khiến những nếp nhăn dồn đuổi làm gương mặt già nua của ông méo mó trong nỗi khổ đau vô tận.
Bên già là người thân của những người đang làm lễ bỏ mả, cứ rưng rức: “Nó sinh mình ra, nuôi mình lớn, cõng mình đi rẫy, giờ nó bỏ mình mà đi. Ôi chao...”, giọng người đàn ông bao mùa rẫy, bao mùa trăng, bao mùa Pơ thi đã qua cứ run rẩy.
Ông không khóc, chỉ liên tục những lời cảm thán bằng tiếng mẹ đẻ. Hơn 30 năm người mẹ ra đi, có lẽ đây mới là giây phút chia lìa vĩnh viễn, với ông Bút. Một người phụ nữ gầy gò khác cũng đến ngồi khóc từ lúc nào. Lấy vạt áo che mặt, tiếng than khóc của bà khiến sự náo động xung quanh như lắng lại.
Càng về giữa khuya, sự náo nhiệt giảm dần. Rượu vẫn chảy tràn từ đám lửa này đến đám lửa khác. Nhiều đứa trẻ đã ngủ trên lưng mẹ, trong chiếc địu với bầu vú chảy dài của bà, trong những chiếc lều dựng tạm khắp nơi tự bao giờ. Thanh niên cũng tản đi đâu chẳng rõ. Chỉ những người già ngồi lại.
Chưa bao giờ, trong lễ hội lại thấy nhiều người khóc và cũng lắm người cười đến thế. Không ai còn tỉnh. Dẫu vậy, họ vẫn không rời cần rượu. Họ vừa uống rượu, vừa hát dân ca, hát đối với nhau, kể chuyện rì rầm suốt đêm bên nhà mồ, trong tiếng chiêng trống càng lúc càng chậm rãi, bịn rịn, thầm thì như lời của người với đất, của đại ngàn và cuộc sống.
Vào trưa ngày thứ hai của lễ hội, nghi lễ cuối cùng tiễn đưa người chết diễn ra sôi động khác thường. Đúng giữa Ngọ, từ phía giọt nước của làng, những Pram (nô lệ của hồn ma) được hóa trang từ đất sét, lá chuối, mặt nạ da bò... tiến dần về phía nhà mồ. Họ bắt chước điệu đi của khỉ, của những con vật. Họ múa và làm trò. Đám đông vây kín những Pram, hò hét, cổ vũ đến khản đặc cả tiếng.
Già làng Rơ Châm Ngói giải thích: “Sau lễ bỏ mả, người sống không còn ràng buộc gì với người chết nữa, chấm dứt việc cơm nước cho người chết hằng ngày. Thay vào đó, đã có những nô lệ của nhà mồ đến phục vụ, hầu hạ người chết. Đó chính là những Pram. Chỉ đúng vào giữa trưa, khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, người ta mới có cơ hội để “chạm mặt” được với những Pram. Qua thời khắc này, Pram sẽ biến mất, trở về với thế giới khác để phục vụ những người chết lúc này đã được tái sinh...”.
Có lẽ biết ơn những “nô lệ của hồn ma” đã thay người sống phục vụ người chết, những Pram đi đến đâu đều được dân làng cho thức ăn, vật dụng đến đó, từ nắm cơm trắng gói trong lá chuối, đến miếng thịt bò, con cá khô...
Theo sau những Pram có cả đội cồng chiêng vừa đi vừa khua chiêng múa trống hưởng ứng. Những Pram đi quanh ngôi nhà mồ chuẩn bị bỏ đi, rồi đi vòng qua những nhà mồ đã hoang phế từ nhiều năm khác. Cuộc diễu hành chỉ diễn ra nửa tiếng đồng hồ, những Pram trở về phía bắt đầu xuất hiện rồi mất hút trong những lùm cây.
“Còn một số chuyện riêng người sống cần “giải quyết” với người chết nhưng không ai được can dự vào!”. Già Ngói bần thần cho hay khi nhìn dòng người lục tục thu dọn đồ đạc ở các lều trở về nhà của chủ nhà Pơ thi tiếp tục cuộc vui. Ánh mắt già như lạc vào miền mơ tưởng khi chạm vào những tượng mồ.
Lễ đã tàn. Khu nhà mồ dần rơi vào sự tĩnh lặng vốn có. Nhưng, khoảng lặng trong đôi mắt kia mới thật xót xa. Bởi hiện nay, phần lớn nhà mồ đã được xây bằng xi măng, lợp tôn qua loa. Tượng gỗ nhiều nơi đã hoàn toàn vắng bóng vì gỗ đã trở nên hiếm hoi, người ta phải thay vào đó bằng những hình... máy bay, xe máy bằng nhựa!
Lời cúng gọi hồn hòa trong ánh lửa rừng cháy bập bùng đang mất dần đi vẻ linh thiêng, bởi núi rừng đang mất dần đi vẻ linh thiêng, bởi núi rừng đang mất dần vẻ huyền bí. Và, biết có còn Pơ thi nào, diễn ra ở đây khi thế hệ trẻ buôn Bầu, cũng như lũ trẻ Jrai đã tìm thấy niềm tin khác. Ngay cả những chủ nhân Pơ thi hôm nay cũng không trả lời được điều này. Ngày càng ít người trẻ biết đánh cồng chiêng. Tại nhiều làng, bộ cồng chiêng truyền từ đời này sang đời khác đã bị thất lạc gần hết.
Già Ngói rưng rưng, bởi có lẽ đây là lần cuối, già và những người già khác trong làng làm điều mà họ mong muốn, cho họ và cho người đã chết. Một mai này, khi già về với Yàng, ai sẽ làm lễ bỏ mả cho già đây...
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/khac-khoai-po-thi-637167/