Khắc khoải rừng dầu
Rừng cộng đồng ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) có hàng nghìn cây dầu thân hình sừng sững. Nhiều gốc cây dầu bị khuyết một mảng lớn sâu vào ruột cây nhưng vẫn ngày đêm nhỏ từng giọt nhựa trắng - loại dầu gắn kết người dân các vùng miền.
Rừng cộng đồng ở xã Hành Tín Đông có diện tích 1.012ha thuộc núi Lớn, nằm giáp ranh với các Mộ Đức, Ba Tơ và TX.Đức Phổ. Đây là cánh rừng còn bảo tồn nhiều cây dầu có tuổi đời hàng trăm năm. Năm 2006, rừng cộng đồng ở xã Hành Tín Đông được giao cho người dân ở 2 thôn Khánh Giang và Trường Lệ quản lý, bảo vệ và hưởng lợi thông qua sự hỗ trợ của dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (KFW6) do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ.
Trăm năm còn lại gốc dầu...
Những ngày đầu tháng Ba, sau những cơn mưa, đường lên rừng dầu trơn trượt. Lối mòn lên rừng lại chi chít cây leo, thảm thực vật khiến chúng tôi trầy trật mỗi khi vượt dốc. Càng đi sâu vào rừng, những hạt mưa như sương, như khói rải đều trên lá cây rừng. Vừa vung rựa phát cây mở đường, anh Cao Minh Hà, ở thôn Trường Lệ vừa liến thoắng kể chuyện, năm 10 tuổi tôi đã theo cha vào rừng ở núi Lớn để bẻ măng, bẫy thú và múc dầu rái. Rừng ở núi Lớn trước đây âm u và đáng sợ hơn bây giờ. Từ nhà vào rừng không chỉ băng qua nhiều suối sâu, dốc đứng, mà còn phải đối mặt với nhiều thú rừng, rắn rết. Vậy nên người dân xã Hành Tín Đông thường đi theo nhóm và lập lán trại ở lại trong rừng để tiện khai thác dầu. Định kỳ theo giao ước với thương lái, người dân sẽ cõng dầu ra bìa rừng để bán, hoặc trao đổi các loại sản vật.
Sau hơn 1 giờ vật lộn với dốc cao, đá lởm chởm, chúng tôi cũng đặt chân đến lô số 3 và số 5 - khu vực rừng giáp ranh giữa xã Hành Tín Đông với xã Ba Liên (Ba Tơ), với diện tích hơn 300ha. Đây là nơi dày cây dầu nhất, cũng là điểm quy tụ nhiều cây dầu cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm với chiều cao thân từ 30 - 40m, đường kính gốc khoảng 1,5 - 2m. Nhìn những cây dầu cổ thụ, ông Đoàn Ngọc Ý (69 tuổi), ở thôn Trường Lệ nói: “Trăm năm còn lại chút này”. Những gốc dầu được chém khá “mượt” và phẳng, phảng phất mùi ngai ngái của dầu rái, dấu hiệu nhận biết cây dầu vẫn còn sự sống và tiếp tục phát triển.
Cây dầu rái có đặc tính rất lạ, đó là phải bị chém vào gốc, tạo ra vết khuyết sâu đến tận ruột cây để dòng nhựa lỏng chảy ra, cơ chế này giúp cây chống chọi với sâu bệnh và phát triển. Nhưng không phải ai cũng có thể tạo ra những "vết thương" đúng chuẩn trên gốc dầu, đó là vết chém chỉ làm đứt tia gỗ nhằm giúp dầu rỉ ra nhưng không làm tổn hại đến cây. Bề mặt "vết thương" phải phẳng như tấm thẻ, sau khi được đốt cháy đỏ rực sẽ dần rỉ ra chất lỏng màu trắng đục gọi là dầu rái. Đây là sản vật, cũng là nguồn tài nguyên có giá trị cao đối với cuộc sống con người. Trước đây, người dân sử dụng dầu rái để thắp sáng, hoặc như một loại thuốc trị nứt nẻ tay chân. Riêng với ngư dân các làng chài ven biển, dầu rái là hợp chất không thể thiếu trong quá trình làm ghe, tàu, thuyền, thúng vì đặc tính chống thấm nước. Chính vì vậy, dầu rái từng được xem là “vàng trắng”, giúp nhiều gia đình dưới chân núi Lớn thoát khỏi cảnh đói cơm lạt muối, cũng là chất gắn kết giữa bạn rừng với bạn biển để tạo nên dòng “sữa” nuôi lớn bao thế hệ. Hẳn thế nên rừng ở đây được cộng đồng người dân chung sức bảo vệ và khai thác theo quy ước riêng, không lấn chiếm, không xâm hại. Đến ngày nay, nhiều hộ dân ở xã Hành Tín Đông như anh Hà, ông Ý vẫn còn gìn giữ và khai thác hàng nghìn gốc dầu từ việc nhận khoán bảo vệ, hoặc do cha ông để lại.
Khắc khoải giữ rừng
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng ở núi Lớn che chở cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Các cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại quân y từng được tán rừng hùng vĩ này bảo vệ an toàn. Trải qua mưa bom lửa đạn, nhưng rừng ở núi Lớn vẫn hiên ngang xanh thẫm theo thời gian. Ông Trần Trọng Tài, ở thôn Khánh Giang, người đã dành cả cuộc đời gắn bó với rừng cộng đồng Hành Tín Đông cho biết, dù bị tàn phá nhiều sau chiến tranh, nhưng với ý thức bảo vệ rừng của người dân cùng sự hỗ trợ từ dự án KFW6, rừng núi Lớn tiếp tục hồi sinh và xanh tươi trở lại, nhất là cây dầu. Nước từ rừng núi Lớn qua đập Suối Chí tung bọt trắng xóa chảy về vùng hạ lưu, giúp những cánh đồng lúa xanh mướt, vườn trái cây sum suê trĩu quả.
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại vật liệu được sử dụng thay thế dầu rái. Người ta bảo nhau rằng, nhiều người giàu lên nhờ rừng, nhưng lại chẳng có ai giàu từ cây dầu và nghề khai thác dầu rái. Bởi để khai thác được 20kg dầu và bán được giá 600 nghìn đồng, người dân phải mất 2 - 3 ngày băng rừng để dọn thực bì, đẽo thân cây dầu và hơ lửa hàng trăm gốc dầu, rồi cẩn trọng múc từng vá dầu gom vào thùng, gùi ra bìa rừng bán cho thương lái. Công việc vất vả, thu nhập không cao nên dù có tuổi đời hàng trăm năm, thân cao từ 30 - 40m, đường kính gốc gần 2m thì cây dầu cũng vẫn “thấp bé” hơn cây keo. Ấy thế nên cây keo nay tịnh tiến sát rừng cộng đồng, nhất là tại các tiểu khu thuộc các xã Đức Lân, Đức Phú (Mộ Đức), xã Ba Liên (Ba Tơ).
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh trầm ngâm bảo, để rừng cộng đồng xanh thẳm như hôm nay, người dân 2 thôn Khánh Giang và Trường Lệ đã mất nhiều năm ăn, ngủ tại rừng. Qua đó ngăn chặn và chấm dứt tình trạng người dân ở các địa phương xâm hại rừng, nhất là tình trạng chặt cây đốt than. Nhưng rồi nguồn sinh kế dưới tán rừng là dầu rái mất dần giá trị, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các thành viên tham gia bảo vệ và quản lý hết hiệu lực từ đầu năm 2021. Cửa rừng cộng đồng không còn cảnh nhiều người ra, vào đốt lửa gánh dầu, chẳng thấy những đốm sáng hắt ra từ rừng - ngọn lửa đốt ngay vết chém dưới gốc dầu, cũng chẳng nghe vang vọng tiếng rìu vạt gốc. Làng nghề khai thác dầu vì thế dần mai một. Một loại cây di sản độc đáo và riêng biệt cũng đứng trước nguy cơ bị chết vì không được chăm sóc, bảo vệ. Những người nặng tình với rừng, từng xem cây dầu là sản vật như ông Ý, ông Tài dù khắc khoải nhưng cũng lực bất tòng tâm vì tuổi cao sức yếu.
Núi Lớn đã đùm bọc con người vượt qua muôn vàn gian khó. Rừng cộng đồng Hành Tín Đông đã mang lại cho người dân ở địa phương không chỉ là cái ăn cái mặc, mà trên hết là giá trị cố kết cộng đồng, là chứng nhân của những năm tháng đói cơm lạt muối nhưng đầy ắp niềm tin và khát vọng. Dù rừng ở núi Lớn đã cho con người nhiều thứ, còn cây dầu cũng chính là cơ nghiệp của cha ông để lại. Nhưng rồi số người lên rừng đốt lửa múc dầu rái giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rừng dầu vì thế cũng đứng trước nguy cơ dần bị mất đi, vì không được “chém gốc rỉ dầu”. Điều khắc khoải về một cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ với hàng nghìn cây dầu cổ thụ độc đáo vẫn còn đó...
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202303/khac-khoai-rung-dau-3160434/