Khác lạ chợ Tết xưa Hà Nội
Xưa, vùng miền nào trên đất Việt cũng có chợ, nhưng chợ quê hầu hết là nhỏ, hàng hóa ít, chỉ phục vụ dân một xã hay một vùng. Cuối năm, các chợ này bán thêm hàng hóa phục vụ dân chúng ăn Tết. Tuy nhiên, chợ Tết ở Thăng Long - Hà Nội có nhiều khác lạ vì là đây là kinh đô, thủ đô, có tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa sinh sống. Đất này cũng không có người làm nông, chỉ sản xuất hàng hóa và buôn bán nên các sản phẩm cho ngày Tết ở chợ Kinh kỳ cũng khác mọi nơi.
Đủ loại chợ chốn Kinh kỳ
Áp Tết, các chợ vùng quê bán thêm hoa chứ không có chợ hoa riêng như Thăng Long - Hà Nội. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Chợ Cầu Đông (tương ứng khu vực giữa phố Hàng Đường hiện nay) nằm bên bờ sông Tô Lịch, không chỉ bán cho dân chúng Thăng Long trưng Tết mà còn bán cho người cất buôn mang đi các vùng miền khác.
Cuối thế kỷ 19, đoạn sông Tô Lịch qua khu vực này bị lấp để làm chợ Đồng Xuân nên chợ hoa chuyển sang họp tạm ở phố Hàng Khoai, và từ năm 1915 thì chuyển hẳn sang họp ở phố Hàng Lược cho đến nay. Chợ hoa Hàng Lược bắt đầu họp từ ngày 23 tháng Chạp cho đến trước Giao thừa. Chợ bán nhiều loại hoa trong nước như: hải đường, trà, mai, quất… và các loại hoa Tây như: thược dược, cúc, violet, lay ơn, đồng tiền… nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào.
Không chỉ bán hoa, chợ Hàng Lược còn bán bát, chậu, đôn, bình, lọ… làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng để đáp ứng nhu cầu chơi hoa. Việc nhà Lê cho mở chợ hoa Tết bởi người Thăng Long có truyền thống trồng hoa, chơi hoa, chuyện đó đã được Phạm Đình Hổ viết trong “Vũ Trung tùy bút”. Trong hơn 100 năm tồn tại, chợ hoa Hàng Lược có duy nhất một lần không họp là Tết Đinh Dậu 1947, lý do là bởi quân Pháp gây hấn, tái chiếm Hà Nội và bị Trung đoàn Thủ đô đánh trả quyết liệt.
Trong chiến tranh chống Mỹ, chợ vẫn họp nhưng tản ra các phố xung quanh. Cách Hàng Lược không xa là phố Hàng Đường, xưa đây là phố quanh năm bán bánh, kẹo, rượu… Gần Tết các nhà còn bày bán thêm con giống, mâm hoa bằng bột, các đĩa hoa trà, hoa phù dung, mẫu đơn gọt bằng quả đu đủ trông như thật. Hàng Đường còn bán củ hoa thủy tiên, những ai thích chơi loại hoa này thì chỉ lên đây mới có.
Từ khi ra đời, chợ Đồng Xuân đã được ví là dạ dày của thành phố bởi cái gì cũng có. Hoa từ Đà Lạt chuyển ra, rau từ Sa Pa đưa về, nho nhập từ Mỹ… càng gần Tết thì hàng hóa càng phong phú hơn. Chợ bán không thiếu thứ gì để đáp ứng cho dân chúng từ giàu tới nghèo ăn Tết. Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20 còn có 2 con phố chuyên bán đồ khô các sản vật của rừng núi, đồng bằng, biển là phố Hàng Buồm và Hàng Cân. Trước Tết khoảng 1 tháng, các nhà buôn ở 2 con phố này bắt đầu bày đủ loại bồ to, bồ nhỏ chứa măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, đậu phù, vi cá mập, miến, bóng, hạnh nhân… trước cửa hàng. Những ai không có tiền thì đã bắt đầu sắm dần, còn nhà buôn bán, giàu có thì cận Tết chỉ việc ôm tiền lên mua là xong.
Phiên chợ đặc biệt
Xưa, nếu dân ở các vùng miền khác muốn xin chữ hay đôi câu đối thì chỉ có cách tìm đến nhà các ông đồ trong vùng, nhưng Hà Nội lại có một chợ ông đồ ở phố Hàng Bồ. Ngày thường phố này có các nhà buôn chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, bán nghiên mực làm bằng đá của vùng Hà Nam, bán mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Hoa.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, cạnh những cửa hàng nói trên xuất hiện các ông đồ trải chiếu đợi khách thuê viết câu đối, hoặc bán những chữ đã viết sẵn trên giấy hồng điều. Ai không thích mua câu đối viết sẵn thì chỉ trình bày tâm tư, nguyện vọng và mong muốn trong năm mới của gia đình, các ông đồ này sẽ tìm cho câu đối, chữ nghĩa phù hợp. Trong suốt triều Nguyễn, chợ ông đồ này luôn đông đúc vì dân Thăng Long - Hà Nội vốn hiếu học, mặt khác treo câu đối, treo chữ là thú chơi hiếu thượng của nhiều người.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Ngày Tết khách đến nhà chơi, ngồi uống rượu và bình chữ, bình câu đối là một cái thú. Thậm chí, ngay cả nhà có tang cũng không thể thiếu câu đối, chỉ có điều giấy viết câu đối lúc đó sẽ có màu vàng hay xanh lục. Thập niên 30 của thế kỷ 20, chữ Nho thất thế nhường chỗ cho chữ quốc ngữ. Và phố Hàng Bồ không còn những ông đồ trải chiếu “bên phố đông người qua”, nhưng thú chơi câu đối Tết vẫn tiếp diễn. Hầu như các tờ báo Tết khi đó đều đăng câu đối ở vị trí trang trọng.
Tết là sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng nhất của người Việt ở vùng đồng bằng từ xưa đến nay. Trải qua thời gian, một số chợ Tết ở Hà Nội đã không còn. Ngày nay rất nhiều người đi sắm Tết ở siêu thị, có thể như thế rất tiện và nhanh, nhưng đi chợ truyền thống sắm Tết mới thấy hết được sự thú vị vì được đắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết và sinh hoạt Tết.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/khac-la-cho-tet-xua-ha-noi/839514.antd