Khắc phục bất cập quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực về quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố, công tác này cũng bộc lộ một số bất cập cần giải quyết triệt để.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Nguyễn Hữu Quy cho biết, ngoài một số hộ dân chấp hành tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, còn không ít hộ dân vi phạm. Đơn vị có cung cấp thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, song không ít nông hộ vẫn mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi trên thị trường.
Còn theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mê Linh Bùi Mạnh Tiến, trên địa bàn hiện có 125 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở này theo quy định chỉ thực hiện tại cửa hàng, kho chứa. Cơ quan chức năng ghi nhận đã có trường hợp giấu thuốc bảo vệ thực vật trái phép ngoài kho chứa, cửa hàng... nhưng khó xử lý đối tượng vi phạm. Mới đây, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các đơn vị, đã có 2 hộ dân bị xử phạt bởi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Văn Thuần cho biết, hiện trên địa bàn Thủ đô có 116 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cùng 1.158 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Trong số đó, rất nhiều cửa hàng giáp ranh tỉnh bạn đang là kẽ hở cho thuốc bảo vệ thực vật lậu tuồn vào địa bàn Hà Nội với những thủ đoạn tinh vi… Một yếu tố bất lợi nữa là số lượng hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều (hơn 1.700 hoạt chất và hơn 4.000 tên thương phẩm) khiến nông dân khó nhớ tên thuốc. Ngoài ra, vai trò quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm của chính quyền cấp xã còn hạn chế, hầu hết chưa xử lý vi phạm triệt để, chủ yếu là nhắc nhở.
Tháo gỡ những bất cập trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất trong lĩnh vực này. Song hành, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm, nhất là cấp xã. Thực tế, nơi nào làm tốt công tác giám sát cộng đồng trong kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì nơi đó ít xảy ra vi phạm.
Để thuận lợi cho công tác quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại kiến nghị, Bộ NN&PTNT sớm có quy định về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ những thuốc có độ độc cao, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bộ cũng cần sớm ban hành hướng dẫn nhằm đơn giản thủ tục thanh tra chuyên ngành; tăng mức xử phạt đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc quá hạn, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam... qua đó, tăng tính răn đe, hạn chế tình trạng tái phạm…