Khắc phục bất cập trong công tác tuyển quân
Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 gặp nhiều khó khăn do công dân diện tạm miễn hoãn cao hơn năm trước, chỉ tiêu tuyển quân dự kiến tăng và chính sách, quy định tuyển quân còn bất cập.
Vẫn vướng từ nguồn
Theo kết quả rà soát nguồn tuyển quân năm 2024, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) có 164 thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự. Trong đó, 75 thanh niên diện tạm miễn, hoãn, 26 thanh niên đi xuất khẩu lao động, du học, chỉ có 63 thanh niên diện sẵn sàng nhập ngũ. Số thanh niên diện sẵn sàng nhập ngũ mắc tật khúc xạ về mắt chiếm tới 30%, trong đó nhiều thanh niên đã khám sức khỏe lần 3, thể lực yếu.
“Thực tế cận thị đang là một bệnh lý xã hội. Có thanh niên bị tật khúc xạ về mắt rất nặng, lên tới 5 đi - ốp. Trong khi đó, quy định không lấy công dân nhập ngũ có độ cận trên 1,6 đi - ốp. Đây cũng là bất cập trong công tác tuyển quân hiện nay của địa phương”, đồng chí Vũ Duy Mạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Chi Lăng Nam nói.
Đến ngày 20/10, TP Hải Dương đã hoàn thành rà soát nguồn tuyển quân năm 2024. Qua tổng hợp, toàn thành phố có khoảng 5.000 thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ thì có gần 4.000 thanh niên diện tạm miễn, hoãn. Có hơn 1.000 thanh niên diện sẵn sàng nhập ngũ. Mỗi năm thành phố có khoảng 1.000 thanh niên làm thủ tục di chuyển nghĩa vụ quân sự để đi học, đi làm nhưng số di chuyển nghĩa vụ quân sự trở lại chỉ chiếm khoảng 30%. Có nơi không có người di chuyển trở lại sau khi đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng... Một số phường như Phạm Ngũ Lão, Lê Thanh Nghị, Trần Hưng Đạo, mỗi năm, số thanh niên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học di chuyển nghĩa vụ quân sự về địa phương chỉ vài người.
Theo Thượng tá Tăng Tiến Hiệp, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự TP Hải Dương, lợi dụng những bất cập của chính sách, nhiều thanh niên không di chuyển nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, nơi làm việc. Có người di chuyển nghĩa vụ đến các trường cao đẳng, đại học nhưng chỉ theo học thời gian ngắn rồi đi làm và cũng không di chuyển nghĩa vụ quân sự về địa phương. Việc không di chuyển nghĩa vụ quân sự khiến địa phương không nắm được nguồn dẫn đến mất nguồn.
Một khó khăn nữa được Thượng tá Phạm Quang Thành, Trưởng Ban Quân lực, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương nêu ra là sau khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, người đi làm ăn xa, học tập xa chỉ cần xuất trình căn cước công dân nơi tạm trú, không cần xin giấy tạm vắng nên cũng gây khó khăn trong việc đăng ký khám nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ. Ngoài ra, hầu hết thanh niên vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự không có mặt tại địa phương nên không thể thiết lập văn bản xử lý. Bản thân công dân vi phạm và gia đình công dân còn xem nhẹ, tìm cách né tránh, chống đối việc gọi khám sức khỏe.
Gỡ khó
Mùa tuyển quân năm 2024, thị xã Kinh Môn có trên 3.000 thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, trong đó có tới hơn 2.000 thanh niên trong diện tạm hoãn, miễn. Con số này ở Kim Thành là trên 1.000 trong số gần 3.000 thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đa số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ của các địa phương đi làm ăn xa, làm việc trong các công ty, đi xuất khẩu lao động...
Nắm rõ khó khăn, bất cập trong công tác tuyển quân, Ban Chỉ huy quân sự thị xã Kinh Môn chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các phường, xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, tư pháp, cán bộ thôn, các khu dân cư rà soát, lập danh sách nguồn thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, tổ chức hội nghị phân loại từng nhóm: diện tạm hoãn, thanh niên đủ điều kiện có mặt và không có mặt tại địa phương để thông báo, tuyên truyền, quản lý nguồn. Với thanh niên không có mặt tại địa phương, lực lượng chức năng phối hợp với các khu dân cư, gia đình tuyên truyền, thông báo cho thanh niên biết kế hoạch sơ tuyển, đề nghị sắp xếp thời gian để khám tuyển nghĩa vụ quân sự.
Tại TP Hải Dương, Ban Chỉ huy quân sự thành phố đã chỉ đạo các phường, xã chủ động triển khai các bước trong công tác tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ, rà soát nắm, phân loại nguồn. Phân loại rõ trường hợp nào có mặt tại địa phương, đi làm ăn xa, trường hợp nào di chuyển nghĩa vụ quân sự theo học các trường đại học, cao đẳng... để kịp thời bổ sung danh sách.
Với những trường hợp làm thủ tục di chuyển nghĩa vụ quân sự đến các trường, Ban Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với các xã, phường thành lập tổ công tác liên hệ với các trường để xác minh. Các trường hợp di chuyển nghĩa vụ quân sự về trường nhưng thực tế không theo học sẽ phải bổ sung vào nguồn tuyển quân của thành phố. Với những trường hợp đi làm ăn xa, địa phương phối hợp cùng gia đình tuyên truyền, vận động thanh niên trở về địa phương để thực hiện khám sơ tuyển.
“Dự báo công tác tuyển quân năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn do công dân diện tạm miễn, hoãn tăng khoảng 20% so với năm trước, chỉ tiêu tuyển quân tăng 5% trong khi chính sách, quy định tuyển quân còn nhiều bất cập. Song với quyết tâm cao, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức, thực hiện tốt công tác tuyển quân, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định và giao đủ chỉ tiêu cho các đơn vị”, Thượng tá Phạm Quang Thành nói.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khac-phuc-bat-cap-trong-cong-tac-tuyen-quan-361306.html