Khắc phục dứt điểm tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng tại cuộc họp với các Bộ, ngành về việc đôn đốc tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh diễn ra mới đây.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với mục đích đôn đốc và nắm bắt tình hình thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng pháp luật như: tình hình triển khai thực hiện Báo cáo số 244/BC-TTKQH ngày 05/6/2023 về tổng hợp kết quả giám sát văn bản QPPL của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; Việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đôn đốc việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật, pháp lệnh chuẩn bị cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024…

Báo cáo tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp Đỗ Thị Thanh Hương cho biết, trong 49 nội dung nợ ban hành nêu tại Báo cáo số 2441/BC-TTKQH còn 32/49 nội dung vừa là giao quy định chi tiết, vừa là nội dung ban hành văn bản theo thẩm quyền để quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, các bộ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Ngoài ra, Báo cáo còn nêu một số nhiệm vụ giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, hoặc các kiến nghị trực tiếp các bộ nghiên cứu thực hiện, Bộ Tư pháp cũng đã thống kê vào phụ lục của từng bộ.

Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn 14 văn bản nợ chưa ban hành quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Đối với các văn bản quy định chi tiết phải ban hành trong thời gian tới, các bộ có nhiệm vụ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, nguồn lực để soạn thảo 71 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trong thời gian tới đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

Về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Chính phủ có nhiệm vụ trình Quốc hội thông qua 09 dự án, cho ý kiến 7 dự án; chuẩn bị các dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) thông qua 8 dự án, cho ý kiến 7 dự án; chuẩn bị các dự án, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) thông qua 7 dự án, cho ý kiến 1 dự án...

Trao đổi, cho ý kiến tại phiên họp, bên cạnh việc báo cáo, giải trình về tình hình triển khai việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, đại diện các bộ ngành cho biết đều đang rất nỗ lực, tích cực trong quá trình xây dựng, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ còn phải tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình năm 2023, 2024.

Một số luật giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết tương đối nhiều nội dung, khoảng thời gian từ lúc luật, pháp lệnh được thông qua đến thời điểm có hiệu lực tương đối ngắn. Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp nội dung giao quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp; nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu định hướng cụ thể về chính sách hoặc phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách, dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Đại diện các bộ, ngành đề xuất cần kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp; bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu tiếp cận, nghiên cứu và xử lý thông tin nhằm phục vụ tốt công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan, đơn vị.

Tổng hợp các ý kiến và kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành. Thứ trưởng tiếp thu ý kiến, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà các bộ ngành còn gặp phải, đồng thời đề nghị cán bộ pháp chế thuộc các bộ, ngành tham mưu cho lãnh đạo Bộ một số nội dung.

Theo đó, các Bộ, ngành cần có sự quyết tâm để khắc phục dứt điểm tình trạng chậm ban hành, nợ văn bản; đối với các văn bản đang trình Chính phủ thì cần có sự đôn đốc sát sao trong các cuộc họp để kịp ban hành; đồng thời, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ kế hoạch thực hiện nhằm phân công, phân nhiệm các văn bản liên quan đến Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ,...

Hồng Lê

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khac-phuc-dut-diem-tinh-trang-no-van-ban-huong-dan-thi-hanh-post487698.html