Khắc phục hạn hán: Khai thác triệt để các nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất

Mặc dù nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi khan hiếm. Tuy nhiên, trên cơ sở trữ lượng nguồn nước hiện có, tỉnh đang bố trí, ưu tiên cấp đủ nước sinh hoạt từ nay đến cuối tháng 6/2020. Còn lại cấp nước phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tưới cho cây trồng lâu năm.

Khắc phục hạn hán

Đào kênh dẫn nước tại hồ chứa.

Đào kênh dẫn nước tại hồ chứa.

Điều tiết luân phiên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 4, trên toàn tỉnh có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số 26.041 hộ dân/97.067 nhân khẩu ở khu vực nông thôn. Trong đó số hộ dân bị thiếu nước chủ yếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan của hộ gia đình và một bộ phận hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung. Nhưng do không đảm bảo công suất của nhà máy nên phải điều tiết luân phiên giữa các khu vực.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh cho biết, tại huyện Tuy Phong, hiện lượng nước tại hồ Đá Bạc còn lại 0,99 triệu m3, sẽ cấp nước thô cho Nhà máy nước Vĩnh Hảo và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đến ngày 30/6 là 0,702 triệu m3, tưới thanh long đến ngày 30/5 là 0,189 triệu m3. Lượng nước dự phòng còn lại 0,099 triệu m3. Tại huyện Bắc Bình, lượng nước còn lại tại hồ Cà Giây hiện có 4,012 triệu m3, cộng với lượng nước bổ sung từ hồ thủy điện Đại Ninh 4 triệu m3, tổng lượng nước hiện có trên địa bàn huyện Bắc Bình là 8,012 triệu m3. Theo đó, sẽ cấp nước thô cho Nhà máy nước Sông Mao và Hồng Thái là 2,275 triệu m3, cấp nước chăn nuôi 2 triệu m3 và tưới thanh long đến ngày 30/5 là 1,259 triệu m3…

Kịp thời giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho dân

Với quyết tâm kịp thời giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, trước mắt UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá chặt chẽ, chính xác tình hình nắng hạn, thiếu nước sinh hoạt thực tế của tỉnh năm nay và so sánh với các năm khác. Đồng thời, nghiên cứu tình hình của các tỉnh khác trong cả nước, đối chiếu với các quy định của pháp luật liên quan và căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đề xuất ban hành quyết định tình huống khẩn cấp do hạn hán, thiếu nước sinh hoạt nếu đủ điều kiện. Trong đó, cần tập trung cân đối, tính toán và quản lý chặt chẽ nguồn nước còn lại từ công trình thủy lợi đảm bảo điều tiết cung cấp đủ nước cho các nhà máy nước sinh hoạt đến hết mùa khô năm 2020. Khai thác triệt để các nguồn nước trữ vào hồ chứa, ao bàu, đập dâng, kênh trục chính để dự trữ phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm cung cấp nước thô cho các công trình cấp nước tập trung nhằm nâng công suất cấp nước của nhà máy, cung cấp phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Đối với các hệ thống cấp nước không đáp ứng đủ lưu lượng cấp nước, thực hiện phương án cấp nước luân phiên giữa các khu vực để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.

Bên cạnh đó, hơn lúc nào hết, các chủ đầu tư công trình nước sinh hoạt cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung đang thi công, các hạng mục, hệ thống tuyến ống đã thi công hoàn thành, đấu nối và đưa vào sử dụng ngay để phục vụ cấp nước cho các hộ dân. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương, người dân cũng phải đồng lòng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chủ động có biện pháp ứng phó với việc thiếu hụt nguồn nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo rõ: Các đơn vị, địa phương liên quan phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực bị thiếu nước, kịp thời triển khai lắp đặt bồn tạm cung cấp nước, rà soát bồn chứa nước đã được Tổng cục Phòng, chống thiên tai cấp năm 2016 để chứa nước tập trung, huy động xe bồn chở nước ngọt và cấp nước lưu động cho nhân dân. Song song, thống kê số lượng người dân tại địa phương bị thiếu nước sinh hoạt, rà soát các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua nước sinh hoạt do ảnh hưởng của hạn hán. Từ đó chủ động sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để kịp thời hỗ trợ kinh phí.

Đến ngày 15/4, tổng lượng nước trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh 31,34/259,38 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 12,08%; lượng nước trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh 33,79/251,73 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 13,42% và hồ thủy điện Hàm Thuận 238,78/522,50 triệu m3, đạt 45,70%.

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/khac-phuc-han-han-khai-thac-triet-de-cac-nguon-nuoc-cho-sinh-hoat-va-san-xuat-126951.html