Khắc phục hậu quả bão số 4

* Xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển di chuyển vào Biển Đông * Mưa to diện rộng, đề phòng lũ quét tại Thanh Hóa, Nghệ An

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân thôn Hòa Tiến, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh sửa chữa nhà sau bão. Ảnh: DƯƠNG CHIẾN

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân thôn Hòa Tiến, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh sửa chữa nhà sau bão. Ảnh: DƯƠNG CHIẾN

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng 30-8, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi sâu vào đất liền và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sáng ngày 30-8, vị trí tâm vùng áp thấp ở trên khu vực trung Lào. Ðến 12 giờ ngày 30-8, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây và tan dần.

Từ sáng ngày 30-8, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Ðề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An nhất là tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Yên Ðịnh, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn (Thanh Hóa); Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An).

Sáng ngày 30-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) họp về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 4. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành liên quan. Theo Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, dông lốc xảy ra tại Nghệ An ngày 29-8 đã làm 37 căn nhà tại huyện Anh Sơn tốc mái, hư hỏng. Tại Hà Tĩnh, dông lốc làm tốc mái 41 nhà tại thị xã Kỳ Anh (trong đó 12 nhà tốc mái hoàn toàn, 2 nhà sập đổ), 11 cột điện gãy đổ, không có thiệt hại về người.

Chiều ngày 29-8, mưa dông trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã làm một người chết do cây đổ. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, Hòa Bình và Sơn La đã lên kế hoạch sẵn sàng sơ tán dân tại vùng trũng thấp, ven sông suối; khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau bão, nhất là tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu bị sự cố, cần liên hệ với hai tàu của Bình Ðịnh đang mất liên lạc. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão; đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Sáng
30-8, Ðoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại bão số 4 tại Hà Tĩnh. Trực tiếp kiểm tra thiệt hại do lốc xoáy gây ra tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ nhân dân sớm khắc phục hậu quả, nhất là 41 hộ bị ảnh hưởng của lốc xoáy; tranh thủ thời gian thu hoạch lúa.

Ðến 30-8, nhờ huy động thêm lực lượng quân đội, công an kết hợp vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa, tỉnh Nghệ An đã thu hoạch 42.000 ha, còn lại 20.472 ha; Hà Tĩnh đã thu hoạch 29.040 ha, còn lại 14.482 ha; Quảng Bình đã thu hoạch 12.519 ha, còn lại 1.170 ha; Quảng Trị đã thu hoạch 17.000 ha, còn lại 5.500 ha.

Bão số 4 đổ bộ vào Hà Tĩnh lúc đêm khuya ngày 29-8 khiến cây cối gãy, đổ vào hệ thống đường dây điện, nhiều cột điện bị đổ gây ảnh hưởng đến 80.000 hộ dân và khách hàng dùng điện. Công ty Ðiện lực Hà Tĩnh đã huy động hàng chục cán bộ, công nhân cùng với xe cẩu, xe tải tổ chức dựng lại các cột điện bị đổ do lốc xoáy ở xã Kỳ Hoa, cố gắng hoàn thành việc sửa chữa và cấp điện cho người dân trong ngày 30-8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, nhiều nơi trong tỉnh Yên Bái có mưa lớn và dông, một số nơi có bão mạnh, gây thiệt hại về tài sản của người dân. Tính đến 16 giờ ngày 30-8, toàn tỉnh có 652 nhà bị tốc mái (huyện Văn Chấn 447 nhà; thị xã Nghĩa Lộ 200 nhà, Trạm Tấu năm nhà). Hơn 135 ha lúa và cây lâm nghiệp bị gãy đổ, ước thiệt hại ban đầu khoảng 3,3 tỷ đồng.

Ngày 30-8, trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai xảy ra mưa to kéo dài, kèm theo gió lốc làm cho nhà ở của 80 hộ dân thuộc các xã Thẳm Dương, Dần Thàng, Dương Quỳ và Hòa Mạc bị tốc mái từ 40% đến 70%. Mưa gió làm hơn 50 ha ngô bị đổ gãy, nhiều vườn quế bị gãy đổ hoàn toàn. Trụ sở UBND xã Dần Thàng bị tốc mái hơn 50%. Tuyến đường thôn Khâm Trên (xã Nậm Chày) bị sạt dài hơn 200 m.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, ngày 30-8, tại tỉnh Bắc Cạn có mưa to, làm tốc mái 274 nhà dân ở các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì, một phòng học ở xã Chu Hương (Ba Bể) và hội trường UBND xã Tú Trĩ (Bạch Thông); làm gãy, đổ 100 cây keo ở huyện Na Rì. Thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính hơn 1,2 tỷ đồng.

Sáng ngày 30-8, các lực lượng ở địa phương đã tìm thấy thi thể nạn nhân bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn ở bờ suối cuối xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) vào chiều tối 29-8.

Ngày 30-8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cơ quan chức năng huy động tàu thuyền nỗ lực tìm kiếm 10 thuyền viên của tàu hàng Thái Thụy 88 có trọng tải 3.500 tấn, thuộc Công ty cổ phần vận tải biển 18 trên hành trình chở than từ bắc vào nam bị mất tích lúc 15 giờ 30 phút ngày 29-8, cách bờ biển Lăng Cô khoảng 40 hải lý.

Do mưa lớn kéo dài, tại khu vực các xóm Mới, Nà Lốc, Cọ Phụng, thuộc xã Ðồng Chum, huyện Ðà Bắc (Hòa Bình), đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở chân đồi, với khối lượng hàng trăm mét khối đất đá, ảnh hưởng trực tiếp đến 23 hộ dân (103 nhân khẩu). Chính quyền địa phương đã khoanh vùng khu vực nguy hiểm, đề nghị lãnh đạo cấp trên sớm có biện pháp khắc phục; đồng thời hỗ trợ các hộ dân, chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Chiều 30-8, bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào Quảng Bình đã làm một người dân chết do bị ngã khi chằng chống nhà cửa. Bão làm tốc mái 20 ngôi nhà, một trường học và hai nhà văn hóa; 600 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch bị gãy đổ, bốn ha hoa màu và 2,7 ha cây ăn quả bị ngập, 1.500 cây cối bị đổ, gãy. Trong số ba tàu cá bị nạn trên biển, hai tàu được lai dắt vào bờ, riêng tàu cá QB 98799 bị vỡ, chìm, tất cả ngư dân đều được cứu an toàn.

Tại tỉnh Bến Tre vừa xuất hiện ổ dịch cúm H5N6 tại đàn gà 1.000 con của hộ ông Mai Trọng Hữu (xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam). Trước đó, đàn gà này có biểu hiện bệnh cúm, chết hàng loạt. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu gửi xét nghiệm và kết quả dương tính với vi-rút H5N6 (chủng vi-rút mới xuất hiện tại Bến Tre). Hiện tại, ngành chuyên môn đang phối hợp với địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41410602-khac-phuc-hau-qua-bao-so-4.html