Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 1: Tiếp tục lan truyền thông điệp 'Đoàn kết - Trách nhiệm - Nghĩa tình' vì nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương do bom đạn và chất độc hóa học mà kẻ thù trút xuống mảnh đất Quảng Trị vẫn chưa thể liền da. Hơn 9.000 người dân Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam là chừng đó nỗi đau và sự bất hạnh. Biết bao gia đình đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, giờ hòa bình lại phải nuốt lệ chăm sóc những người con bị dị tật; biết bao em nhỏ không được đến trường, gắn cuộc đời và tương lai trên những chiếc xe lăn… do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Vì thế, hành trình khắc phục hậu quả do chất độc này để lại trên mảnh đất Quảng Trị nhiều năm qua rất khó khăn, vất vả nhưng đây cũng là hành trình xuyên suốt, không ngừng nghỉ để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.

 Lãnh đạo Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật, Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam -Ảnh: H.H

Lãnh đạo Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật, Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam -Ảnh: H.H

- Thưa ông! Năm 2021 là tròn 60 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam mà hậu quả của nó vẫn để lại nỗi đau dai dẳng cho người dân ở nhiều miền quê khác nhau trong cả nước. Đề nghị ông đánh giá về mức độ và hậu quả mà chất độc này gieo rắc ở Việt Nam?

- Đúng vậy, 60 năm đã trôi qua nhưng đến nay nỗi đau da cam vẫn còn đó, chưa thể nguôi ngoai. Vào ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên phun rải chất độc hóa học (CĐHH) tại Quốc lộ 14, nằm ở phía Bắc tỉnh KonTum và từ đó đến năm 1971 đã tiến hành 19.905 phi vụ phun rải hơn 80 triệu lít CĐHH (61% trong đó là chất da cam) xuống gần 26.000 thôn bản, bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó có 86% diện tích phun rải lần 2; 11% phun rải hơn 10 lần.

Với một lượng CĐHH lớn được phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều cánh rừng bị tàn phá, đa dạng sinh học bị suy thoái, một số loại động vật, thực vật bị tuyệt chủng. Nguy hiểm hơn là CĐHH đã làm cho gần 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân da cam đến nay đã di truyền qua thế hệ thứ 3, thứ 4. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết hoặc hằng ngày phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, đang chết dần chết mòn với các căn bệnh quái ác liên quan đến CĐHH; nhiều phụ nữ không còn thiên chức làm mẹ; nhiều trẻ em sinh ra không đủ hình hài, không được quyền sống, quyền hạnh phúc. Tất cả là do di chứng chất độc da cam/ dioxin gây ra.

- Trong chiến tranh, Quảng Trị cũng là một trong những địa phương hứng chịu các đợt phun rải CĐHH của Mỹ. Mức độ ở đây như thế nào, thưa ông?

- Tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng vĩ tuyến 17, nơi trong thời kỳ chiến tranh đã bị quân đội Mỹ ném bom, bắn phá và rải CĐHH nặng nề. Theo tài liệu của Ủy ban 10-80 (Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả CĐHH dùng trong chiến tranh ở Việt Nam), tại Quảng Trị, quân đội Mỹ đã rải tổng cộng 710.237 gallon CĐHH, trong đó có 580.109 gallon chất da cam, 25.101 gallon chất xanh, 99.714 gallon chất trắng và 5.314 gallon các chất khác (tên CĐHH được gọi theo màu vạch sơn được đánh dấu ngoài vỏ thùng phuy chứa chất đó).

Theo tài liệu của Ủy ban giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc số CD/82 (Chemical Dissarsement), sau 7 tháng triển khai chiến dịch Ranch Hand, không quân Mỹ đã thực hiện 200 phi vụ, rải 760 ngàn lít chất diệt cỏ dọc các đường giáp vĩ tuyến 17. Với các phương tiện phun rải chất độc đa dạng, từ không trung, dưới mặt đất, kết hợp với bom cháy ở nhiệt độ cao, các loại chất độc bị phát tán ra diện rộng hơn nhiều so với bản đồ băng rải do quân đội Mỹ ghi nhận. Cho đến nay, chưa ai tính được chính xác khối lượng TCDD (một loại cực độc của dioxin) được rải xuống và diện tích đất đai bị ô nhiễm bởi các loại chất độc dùng trong quân sự ở miền Nam Việt Nam. Theo nhìn nhận ban đầu và kết quả phân tích khu vực có băng rải thì diện tích bị nhiễm CĐHH ở Quảng Trị chủ yếu thuộc địa bàn các huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, vùng phía Tây các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong.

- Công cuộc khắc phục hậu quả do CĐHH của Mỹ để lại trong chiến tranh ở Việt Nam từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ông có thể cho biết một số kết quả khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam thời gian qua?

- Có thể nói, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh. Từ tháng 10/1980, Chính phủ đã thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam.

 Ông Lê Văn Dăng chỉ vào phần diện tích các khu vực tại Quảng Trị bị máy bay Mỹ phun rải chất độc hóa học -Ảnh: H.H

Ông Lê Văn Dăng chỉ vào phần diện tích các khu vực tại Quảng Trị bị máy bay Mỹ phun rải chất độc hóa học -Ảnh: H.H

Ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 651). Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 43/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Kể từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nhiều Pháp lệnh ưu đãi Người có công; Chính phủ ban hành 11 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 quyết định; các bộ, ngành liên quan ban hành hơn 30 hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách liên quan đối với người dân và các đối tượng khác bị nhiễm CĐHH.

Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỉ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề của CĐHH. Hằng năm, Nhà nước cũng đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐHH. Hiện nay, toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình dân thường có người khuyết tật nằm trong nhóm 17 bệnh theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế (QĐ 09) thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và được hưởng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh miễn phí, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa khác...

- Là một địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả chất độc da cam để lại, trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Ông đánh giá như thế nào về kết quả các kế hoạch hành động này?

- Thực hiện Quyết định số 651 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/10/2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 1785/QĐUBND về phê duyệt kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Quảng Trị đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (Quyết định 1785). Ngày 1/8/2016, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định 1974/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 1974).

Theo đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho 14 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch. Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là giải quyết cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Quảng Trị đối với con người và môi trường.

Về môi trường, sinh thái, sau 60 năm Mỹ ngừng phun rải CĐHH, đến nay các khu rừng bị phun rải đã khôi phục lại dần và chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đã mang lại màu xanh cho các cánh rừng nơi đây. Nhiều vùng trồng tiêu, trồng cao su đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho người dân Quảng Trị và tham gia xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Đối với sức khỏe con người, đến cuối năm 2020, cơ bản người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Đối với người dân bị mắc 17 bệnh theo QĐ 09 mà suy giảm sức lao động từ 61% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo đối tượng bảo trợ xã hội và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí.

Nhìn chung, cùng với cả nước, với nghĩa tình “Vì nỗi đau da cam Quảng Trị”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ giúp nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống. Tổng số tiền và hiện vật vận động được trên 30 tỉ đồng, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như: Hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, khám chữa bệnh miễn phí, trao tặng học bổng, hỗ trợ sản xuất…Tuy vậy, vẫn còn một số mục tiêu của kế hoạch vẫn chưa đạt như mong muốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, không bố trí đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch.

Theo tôi, để tiếp tục khắc phục hậu quả CĐHH, UBND tỉnh cần sớm tiến hành công tác tổng kết Kế hoạch 1974, từ đó rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để tiếp tục ban hành kế hoạch khắc phục hậu quả CĐHH đối với môi trường và sức khỏe con người ở Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2026.

Để thực hiện tốt kế hoạch sắp tới, cần lập tổ giúp việc cho UBND tỉnh để theo dõi, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch; có chế tài khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt và kiểm điểm trách nhiệm những đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Vấn đề quan trọng nhất là UBND tỉnh cần bố trí đủ kinh phí theo quyết định, kế hoạch được giao cho các ngành và các đơn vị, địa phương.

Tôi xin được dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh khi đến thăm, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mới đây, rằng: “Chúng ta sẽ làm hết sức mình, kể cả vận động quốc tế, xã hội hóa nguồn lực, cùng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực cho hội và những người bị nhiễm có điều kiện tốt hơn. Chúng ta cố gắng không để sót ai…”, để tiếp tục lan truyền thông điệp “Đoàn kết - Trách nhiệm - Nghĩa tình” vì nạn nhân chất độc da cam.

- Xin cảm ơn ông!

Hoài Hương - Thanh Trúc - Lâm Thanh (thực hiện)

* Bài 2: Ký ức và nỗi đau da cam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156242&title=khac-phuc-hau-qua-chat-doc-da-cam-o-quang-tri-hanh-trinh-khong-ngung-nghi-bai-1-tiep-tuc-lan-truyen-thong-diep-%E2%80%9Cdoan-ket--trach-nhiem--nghia-tinh%E2%80%9D-vi-nan-nhan-ch