Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 2: Ký ức và nỗi đau da cam

Những ai từng chứng kiến cảnh máy bay quân đội Mỹ rải chất độc hóa học (CĐHH) lên cánh rừng và mảnh đất quê hương mình, đều có chung nỗi ám ảnh về sự tàn khốc và hủy diệt mà thứ chất độc này mang lại. Nhưng không ai nghĩ rằng, mức độ tàn khốc mà mình chứng kiến tại thời điểm đó lại gieo rắc hậu quả nặng nề đối với cuộc sống sau này đến như vậy. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều người dân Quảng Trị đau chung một nỗi đau mang tên da cam.

* Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 1: Tiếp tục lan truyền thông điệp “Đoàn kết - Trách nhiệm - Nghĩa tình” vì nạn nhân chất độc da cam

 Bốn người con của vợ chồng ông Trần Văn Trâm đều bị nhiễm chất độc da cam -Ảnh: H.H

Bốn người con của vợ chồng ông Trần Văn Trâm đều bị nhiễm chất độc da cam -Ảnh: H.H

Ám ảnh với những rừng cây trụi lá

Ngôi nhà của ông Hồ Thanh Bình (sinh năm 1935) nằm yên bình dưới chân một ngọn đồi ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa. Trong khu vườn rộng của mình, ông Bình đào ao thả cá, trồng thêm hoa màu để vừa ăn, vừa bán quanh năm. Chọn cho mình một lối sống sạch, lành mạnh là cách giúp ông Bình quên đi nỗi ám ảnh trong ký ức và nỗi đau bệnh tật giày vò mỗi lúc trái gió trở trời.

Trong ký ức của mình, ông Bình nhớ vào năm 1963, Mỹ bắt đầu rải CĐHH ở dọc biên giới Hướng Hóa. Tháng 8/1967, khi đơn vị ông (C19, Quân khu Trị Thiên) hành quân từ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vào tỉnh Thừa Thiên Huế để chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu Thân 68, ông lại chứng kiến trực tiếp máy bay Mỹ rải CĐHH ở khu vực huyện Triệu Phong, Hải Lăng. “Chỉ 1 tiếng đồng hồ sau khi Mỹ rải chất độc, chuối rừng ngã rạp xuống hàng loạt. Cánh rừng được bao phủ bởi cây cối um tùm, rập rạp bỗng chốc trơ trụi lá, nhìn rõ khoảng trời trong xanh bên trên. Xung quanh chúng tôi, xác những chú chim nhỏ rơi đầy. Khỉ cũng chết, cá dưới khe suối phơi mình trắng xóa. Dù đã được thông báo trước nhưng chúng tôi ai nấy đều bàng hoàng vì những gì diễn ra trước mắt mình quá nhanh và thảm khốc”, ông Bình nhớ lại. Trước đó, để đối phó với các thủ đoạn nguy hiểm của kẻ thù, với vai trò là chính trị viên của đơn vị, ông Bình đã triển khai cho anh em trong đơn vị đào hầm trú ẩn; đào giếng nước cách các khe suối 3 m và đeo khẩu trang chống độc. Vậy nhưng, do ảnh hưởng của CĐHH, ông Bình ngã lăn bất tỉnh từ 14 giờ đến 19 giờ, phải ở lại điều trị trong khi đồng đội hành quân trước.

Ông Bình có 7 người con, 3 trong số đó bị ảnh hưởng chất độc da cam, trong đó có hai người đã mất. Sau khi xuất ngũ, sức khỏe ông không tốt, vào ra bệnh viện như cơm bữa. Vì thế, ông quyết định chuyển nhà từ thị trấn Khe Sanh vào bản Ka Tăng, nơi có không khí trong lành để sinh sống.

 Bà Lê Thị Mít bên người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam -Ảnh: H.H

Bà Lê Thị Mít bên người con trai bị ảnh hưởng chất độc da cam -Ảnh: H.H

Ông Hoàng Kim Cư (76 tuổi), ở thôn Mai Trung, xã Cam Chính là du kích xã từ năm 1964 - 1975. Vào năm 1965, ông chứng kiến 4 chiếc C130 của Mỹ rải CĐHH từ phía Tây huyện Triệu Phong đến phía Tây Nam xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Năm 1967, máy bay Mỹ tiếp tục một đợt rải chất độc khác về gần khu dân cư hơn. Năm 1972, trả lời phỏng vấn của phóng viên đài truyền hình Nhật Bản về tội ác của đế quốc Mỹ, ông đã mô tả thật chi tiết về các đợt máy bay Mỹ rải CĐHH xuống quê hương mình. Ông nói: Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Nghĩa, Cam Chính của huyện Cam Lộ) vốn trù phú, bao bọc bởi cây xanh, quả ngọt. Vậy mà chỉ sau đợt rải CĐHH của Mỹ, chỉ có những loại cây có mủ mới sống sót, còn lại đều đổ rạp, khung cảnh thật tiêu điều. Thời điểm đó, người dân chúng tôi chỉ biết khuyên nhau uống thật nhiều nước đường và mía với suy nghĩ những thứ đó sẽ giúp đẩy được chất độc ra khỏi cơ thể mình.

Tất nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của ông Cư và nhiều người dân Cam Chính khác vào thời điểm này. Về sau họ mới biết rằng thứ nước mình uống dù có ngọt đến đâu cũng không đẩy được chất độc ấy ra khỏi cơ thể nếu chẳng may bị nhiễm. “Từ năm 1970, người dân xã Cam Chính bắt đầu khôi phục sản xuất, trồng trọt. Cây cối dần xanh tươi trở lại nhưng con người thì không. Những ai đã bị nhiễm CĐHH, ngoài việc bản thân đối diện với bệnh tật, nhiều người trong số đó sinh con bị dị tật, cuộc sống cơ cực, khốn khó vô cùng”, ông Cư cho biết.

“Sinh con ra, đất ăn hết”

Ở tuổi 72, bà Lê Thị Mít ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, vẫn nhọc nhằn chăm cho cậu con trai Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1988). Hơn 33 tuổi, Trường còn thua một đứa trẻ lên 3 khi mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào ba mẹ già yếu. Bà Mít chua xót nói: “Sinh 4 người con, 3 đứa bị nhiễm chất độc da cam đã mất 2, còn đứa con tật nguyền này không biết có đi trước cha mẹ cho đỡ khổ hay không. Người ta đẻ con để được cậy nhờ, tôi đẻ con ra, đất ăn hết”.

Tuổi già, sức yếu nên việc chăm sóc người con trai khuyết tật này với bà thật vất vả. Vậy nhưng, bà lại làm phép so sánh: “Giờ cực một thì trước đây, khi chăm một lúc 3 đứa con tật nguyền còn khổ gấp trăm, ngàn lần. Nhà không có nổi một chiếc giường vì có sắm thì cũng bị các con phá. Suốt ngày người chúng đỏ quạch một màu đất. Thằng thứ 2 còn có tật cắn tay nên tui phải trói lại, khó chịu, nó gào thét suốt đêm ngày. Không đêm nào vợ chồng tui tròn giấc”.

Vậy nhưng, sâu thẳm trong lòng người mẹ này, nỗi ám ảnh lớn nhất lại nằm ở cậu con trai lành lặn. Đến tuổi trưởng thành, nhà neo người, thời điểm đó lại phải chăm sóc hai người con khuyết tật nhưng bà một mực giục con vào Tây Nguyên lập nghiệp, chỉ vì một lý do: “Ở quê, nhìn gia cảnh này, ai dám lấy con”. May mắn thay, những đứa cháu nội của bà sinh ra đều lành lặn, là niềm an ủi duy nhất cho cuộc đời héo hon muộn phiền của vợ chồng bà. Nhưng nỗi đau vì sinh ra những đứa con không lành lặn không phải là câu chuyện của riêng gia đình bà Mít. Bà kể: “Nhà ông Kỷ có con gái bị dị dạng; nhà ông Dương cũng có hai người (một người đã mất); ông Lưu Sinh có người con gái sinh ra chỉ có một mắt. Sau này, nhiều người mới biết về chất độc này chứ trước đây chỉ biết trách số phận. Sau chiến tranh, một số người dân trong xã còn sử dụng thùng đựng CĐHH để làm thùng đựng gạo ăn hằng ngày...”.

Thấy có người lạ đến, 4 người con bị nhiễm chất độc da cam của vợ chồng ông Trần Văn Trâm (sinh năm 1949) và bà Trần Thị Dần (sinh năm 1950), thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ bò từ trong nhà ra. Nhìn con dàn thành hàng dọc, ông Trâm buồn rầu nói: Ngày mô chúng cũng ra đây “tắm nắng” vài lượt, có khi ra rồi đứng mãi đó không vào, mà nắng mùa hè ở đây thì cháy da, cháy thịt. Bà Dần không để khách hỏi, chỉ vào từng đứa con giới thiệu: Thằng lớn nhất là Trần Văn Luận, sinh năm 1976; tiếp là Trần Văn Hoàng, sinh năm 1983; đứa con gái là Trần Thị Lũy, sinh năm 1985 và thằng út là Trần Văn Lãm, sinh năm 1989. Thỉnh thoảng có người đến, tui phải gọi tên con cho đỡ nhớ. Rồi bà rươm rướm nước mắt: “Đặt tên để có mà ghi vào giấy khai sinh chứ ngoài ra không biết để làm gì vì gọi con không nghe, nói con cũng không hiểu”.

Năm 1970, đứa con đầu lòng của bà Dần vừa sinh ra đã mất. Tiếp đó bà sinh đứa thứ hai lành lặn, đến đứa thứ 3 chậm bò, chậm lật nhưng hồi đó, cuộc sống khó khăn nên bà không có điều kiện đưa con đi khám. Không khám, không biết mình bị nhiễm CĐHH nên bà cứ đẻ gắng. “Mỗi bữa 4 đứa con tui ăn 5 lon gạo, không chỉ ăn khỏe, chúng quậy cũng khỏe luôn. Vợ chồng tui già rồi, chỉ sợ không đủ sức lo cho các con về sau”, bà Dần rưng rưng nói.

Ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau con ngõ dài của vợ chồng ông Trâm thật bình yên. Vậy nhưng cuộc sống sau đó thì không yên bình chút nào.Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có rất nhiều ngôi nhà không bình yên như thế vì chất độc da cam…

Hoài Hương - Lâm Thanh - Thanh Trúc

Bài 3: Chung tay vì nạn nhân da cam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156273&title=khac-phuc-hau-qua-chat-doc-da-cam-o-quang-tri-hanh-trinh-khong-ngung-nghi-bai-2-ky-uc-va-noi-dau-da-cam