Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 3: Chung tay vì nạn nhân da cam
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó tập trung vào hoạt động khắc phục, xử lý môi trường và hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe để giúp nạn nhân da cam (NNDC) vươn lên hòa nhập cuộc sống. Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận song thực tế cuộc sống của NNDC trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
** Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 2: Ký ức và nỗi đau da cam
* Khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Quảng Trị: Hành trình không ngừng nghỉ. Bài 1: Tiếp tục lan truyền thông điệp “Đoàn kết - Trách nhiệm - Nghĩa tình” vì nạn nhân chất độc da cam
Nâng bước những phận đời kém may mắn
Ông Lương Văn Kiến ở Khu phố 7, Phường 1, thành phố Đông Hà có 4 người con gái thì 2 người bị tật nguyền bẩm sinh do ảnh hưởng của CĐHH là Lương Thị Quỳnh Như (sinh năm 2009) và chị gái Lương Thị Thúy Ngọc (sinh năm 1994).
Tuy nhiên, nhờ luyện tập phục hồi chức năng (PHCN) mà Như - vốn bị bệnh tim và thiểu năng trí tuệ bẩm sinh đã tự đi lại và biết chăm sóc bản thân. Hiện Như đang học tại Trường Trẻ em Khuyết tật tỉnh. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hà nhận xét: “Từ một trẻ thiểu năng trí tuệ nặng, giờ Như có thể nhận biết và gọi tên cô giáo, ba, mẹ. Em cũng đã bắt đầu hiểu khi nghe mọi người xung quanh trò chuyện. Đặc biệt, thời gian gần đây em rất thích được phụ cô giáo làm các việc vặt và tham gia chơi đùa cùng các bạn... Đó là dấu hiệu rất tích cực để em hòa nhập cộng đồng”.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 5 đơn vị nuôi dạy, PHCN dành cho người khuyết tật và NNDC. Nhờ những trung tâm này, hàng trăm trẻ em bị khuyết tật, trong đó phần lớn là NNDC trên địa bàn Quảng Trị được can thiệp PHCN cơ bản để tự chăm sóc bản thân, giúp gia đình các em được chia sẻ bớt gánh nặng, có thời gian phát triển kinh tế, cuộc sống nhờ vậy dần được cải thiện.
Ngoài PHCN, một số NNDC trên địa bàn tỉnh hỗ trợ vốn chăn nuôi bò theo hình thức quay vòng. Với nguồn quỹ ban đầu gần 1,3 tỉ đồng. Hội Người khuyết tật, NNDC, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em đã cho 58 hộ gia đình ở 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng vay không tính lãi mua 58 con bò giống. Số bò trên đã sinh sản nâng tổng đàn lên 151 con, sau này một số hộ đã bán bò để trang trải cuộc sống nên số lượng đàn bò hiện tại còn 73 con. Qua khảo sát nhu cầu, giai đoạn 2, Hội dùng số vốn thu hồi từ những hộ trên để hỗ trợ 70 hộ NNDC khác mua bò giống chăn nuôi, phát triển sinh kế, xóa đói, giảm nghèo.
“Xanh hóa” những vùng đất chết
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của CĐHH đến môi trường sinh thái, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã huy động các nguồn lực để khắc phục, xử lý môi trường bằng việc “xanh hóa” những vùng đất trống, đồi núi trọc.
Theo ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giai đoạn 2013 - 2019, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái và trồng rừng trên vùng đất trống, đồi núi trọc nói chung và vùng nhiễm CĐHH nói riêng thông qua dự án Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 ở địa bàn huyện Đakrông, Hướng Hóa với tổng diện tích trồng rừng là gần 1.400 ha. Đồng thời, tỉnh thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng nhằm huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, phục hồi sinh thái, giảm dần diện tích đất trống, đồi trọc, đặc biệt là các khu vực từng bị nhiễm CĐHH.
Năm 1989, diện tích đất có rừng toàn tỉnh Quảng Trị là 98.626 ha, độ che phủ 19,5%, đến nay tăng lên trên 250.000 ha, độ che phủ rừng đạt 50,1%. Hiện Quảng Trị là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng cũng như rừng được cấp chứng chỉ FSC. Những con số trên là minh chứng sinh động về sự hồi sinh trên vùng đất lửa, trong đó có các khu vực từng bị phun rải CĐHH nay đã phủ xanh bởi những cánh rừng...
Vẫn còn nhiều trăn trở...
Những ngày này, anh Phan Tiến Phong (sinh năm 1979) ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, cảm thấy rất phấn chấn khi biết cuộc chiến pháp lý chống lại các công ty hóa chất quốc tế đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam của bà Trần Tố Nga (78 tuổi) được khởi động trở lại vào ngày 25/1/2021 tại Tòa án vùng EvryCourcouronnes, tỉnh Essonne, Cộng hòa Pháp.
7 năm trước, anh Phong là đại diện cho hàng nghìn NNDC ở Quảng Trị viết tâm thư góp tiếng nói cùng bà Trần Tố Nga khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Anh Phong bị nhiễm chất dioxin từ ba (ông là người đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị) nên khi sinh ra bị dị tật teo tay và chân trái. Mặc dù rất nỗ lực, may mắn mới lập được gia đình và sinh 3 đứa con khỏe mạnh như ngày hôm nay nhưng nỗi đau da cam vẫn luôn hiện hữu trên cơ thể anh. Anh Phong chia sẻ: “So với nhiều NNDC khác, tôi vẫn còn may mắn hơn. Vậy nhưng với những di chứng này, tôi rất đau đớn vì bệnh tật quanh năm và vất vả để mưu sinh”.
Đúng như chia sẻ của anh Phong, những NNDC tuy bị ảnh hưởng ở mức độ nặng nhẹ khác nhau đều gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với số lượng 9.016 NNDC trên địa bàn tỉnh nhưng hiện có trên 5.000 người đang hưởng chế độ, chính sách theo các nhóm xã hội đặc thù về bảo trợ xã hội, người khuyết tật với mức hỗ trợ từ 270.000 - 675.000 đồng/người/tháng, tùy theo tỉ lệ khuyết tật. Khoản hỗ trợ trên tương đối thấp so mới mức sống hiện nay, trong khi đối tượng này thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên kinh tế kiệt quệ. Việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho NNDC cũng là một thách thức không nhỏ vì hầu hết NNDC đều lâm vào bệnh tật, không đủ sức khỏe nên khó có thể học nghề hay tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả rõ rệt.
Kinh phí duy trì hoạt động các trung tâm PHCN ở Quảng Trị cũng là một bài toán khó. Điển hình như Trung tâm PHCN Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) thành lập ngày 16/4/2008. Sau 13 năm đi vào hoạt động, nguồn kinh phí hỗ trợ của các nhà hảo tâm được trích lại để trả lương cho nhân viên chỉ còn đến khoảng tháng 7/2021. Sau thời gian này nếu không có nguồn hỗ trợ tiếp thì trung tâm sẽ không còn kinh phí để hoạt động.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật, NNDC, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em huyện Cam Lộ, dù được xã hội quan tâm nhưng thực tế hộ gia đình có NNDC trên địa bàn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên các hoạt động hỗ trợ để giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng cần duy trì thường xuyên, liên tục. Để tiếp tục làm được điều này, tổ chức hội không thể đơn phương thực hiện mà cần sự chung tay hành động của toàn xã hội.