Khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Lâm Đồng, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ.
Sạt lở đất tại Đà Lạt khiến 2 người thiệt mạng
Theo Báo Lâm Đồng, trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ.
Mưa lớn vào chiều và tối ngày 28/6, đã ảnh hưởng trực tiếp trên diện rộng tại địa phương. Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 28/6, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã xuất hiện trận mưa giông kéo dài khoảng hơn 2 giờ, gây ra tình trạng sạt lở đất, sạt taluy, sập nhà, cây ngã đổ tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.
Sáng sớm ngày 29/6/2023 đã xảy ra vụ sạt lở tại đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, thành phố Đà Lạt làm 2 người bị vùi lấp và tử vong.
Bên cạnh đó, theo Báo Nhân Dân, vụ việc còn làm 5 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. 1 ngôi nhà bị sập, 1 ngôi nhà bị xô lệch và 1 ngôi bị vỡ tường, một số ngôi nhà khác của người dân trong khu vực cũng bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, đưa thi thể 2 nạn nhân thiệt mạng ra khỏi hiện trường.
Sau khi vụ việc xảy ra vụ sạt lở, Ủy ban Nhân dân phường 10, thành phố Đà Lạt đã di dời khẩn cấp 3 hộ dân lân cận khu vực sạt lở ra khỏi nơi nguy hiểm.
Ngoài vụ sạt lở nói trên, trong sáng ngày 29/6, tại phường 3, phường 5 (thành phố Đà Lạt) cũng xảy ra sạt lở tại hàng loạt vị trí như đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba Tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau.
TTXVN thông tin, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) Nguyễn Văn Hưởng cho biết, thời gian qua, Lâm Đồng mưa rất nhiều, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù ban ngày hay ban đêm. Nếu sạt lở đất xảy ra ban ngày, người dân quan sát được, có đủ thời gian ứng phó kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm. Còn sạt lở vào ban đêm, không quan sát được và đây là thời điểm người dân đang ngủ, không có sự đề phòng thì thiệt hại thường rất lớn.
Làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở đất ở Đà Lạt
Theo VTC News, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo hỏa tốc để khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp xử lý đối với phần kè chắn đất còn lại, bảo đảm không để tiếp tục sạt trượt.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt lở và các công trình cấp phép xây dựng mà có độ dốc lớn, độ chênh taluy âm/dương lớn có nguy cơ sạt lở để rà soát, quan trắc mức độ an toàn.
Đồng thời, yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân cán bộ này và tập thể, cá nhân liên quan trong việc cấp phép xây dựng và kiểm tra giám sát xây dựng khu vực nêu trên.
Dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở vị trí có độ dốc lớn, chênh lệch taluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn. Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép xây dựng đối với các công trình tại những khu vực này.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Lâm Đồng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ.
Công điện nêu rõ, để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, trong đó:
1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
3. Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý và theo chức năng quản lý nhà nước được giao.
4. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
5. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.