Khắc phục hư hỏng tuyến quốc lộ 1: Cần các giải pháp căn cơ, bài bản, phù hợp

Các đơn vị đang thi công sửa chữa, đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1 qua Phú Yên. Ảnh: PHẠM THÙY

Cử tri và Nhân dân trong tỉnh bức xúc vì quốc lộ 1 qua Phú Yên thường xuyên hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà gây mất an toàn giao thông (ATGT). Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ GT-VT, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về vấn đề này nhưng nội dung trả lời chưa làm cử tri hài lòng.

Mới đây, đoàn công tác của Cục ĐBVN đã có buổi làm việc trực tiếp tại Phú Yên về vấn đề trên. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì quốc lộ 1 qua địa bàn Phú Yên).

* Được biết, Phú Yên đã nhiều lần kiến nghị, Bộ GT-VT cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý, bảo trì quốc lộ và các chủ đầu tư dự án triển khai khắc phục hậu quả thiên tai trên quốc lộ 1, xử lý bảo đảm ATGT bước 1 theo quy định. Vậy việc này đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 7, 8, 9 (năm 2021); bão số 4 năm 2022 và mưa lớn kéo dài liên tục trên địa bàn khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng đã làm sạt lở đất đá, tràn lấp rãnh dọc, hư hỏng mặt đường gây nguy cơ mất ATGT. Cục ĐBVN đã chỉ đạo khắc phục hư hỏng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) đoạn quốc lộ l qua địa bàn Phú Yên, để đảm bảo giao thông kịp thời.

Cụ thể, trong năm 2021, gần 93km chưa được sửa chữa định kỳ đã phát sinh hư hỏng mặt đường là chủ yếu và đã được sửa chữa, khắc phục với tổng kinh phí vá sửa cục bộ, rải rác trên tuyến này là 50,2 tỉ đồng. Trong năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và cơn bão số 4 nên xuất hiện tình trạng hư hỏng nền mặt đường của 76,5lkm chưa được sửa chữa định kỳ trên quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên. Đơn vị sửa chữa đang khẩn trương, tập trung nhân vật lực và tận dụng thời tiết tốt để khắc phục. Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến sẽ hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa trước ngày 31/12/2022.

Ông Nguyễn Thanh Hoài

Ông Nguyễn Thanh Hoài

* Thưa ông, kế hoạch bảo trì trong năm 2023 sẽ được thực hiện như thế nào?

- Do ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão số 4, 5 và các đợt mưa lớn kéo dài liên tục từ tháng 9 đến nay, quốc lộ 1 qua địa bàn 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã xuất hiện nhiều hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng. Mặc dù Cục ĐBVN đã chỉ đạo Khu Quản lý đường bộ III tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục hậu quả lụt bão, khẩn trương sửa chữa các hư hỏng mặt đường, nhưng do khối lượng hư hỏng phát sinh rất lớn, trải dài trên diện rộng dẫn đến một số đoạn tuyến không êm thuận, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Vì vậy, Cục ĐBVN đã đề nghị và được Bộ GT-VT chấp thuận chủ trương, bổ sung 4 danh mục công trình vào kế hoạch bảo trì năm 2023 với tổng kinh phí 128,57 tỉ đồng để sửa chữa khoảng 9,9km đường quốc lộ 1. Hiện nay, 4 công trình này đã được Cục ĐBVN cho phép chuẩn bị đầu tư và yêu cầu tiến độ hoàn thành phê duyệt trước ngày 8/12/2022 để trình Bộ GT-VT phê duyệt kế hoạch bảo trì và giao dự toán chi năm 2023 (trước 31/12/2022) để triển khai các bước thủ tục đầu tư. Dự kiến sẽ khởi công cuối tháng 1/2023.

* Những khó khăn trong công tác sửa chữa quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên là gì, thưa ông?

- Khu vực tỉnh Phú Yên có địa hình đèo dốc, địa chất phức tạp, chịu tác động thường xuyên của nước ngầm. Tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn Phú Yên được đầu tư xây dựng với quy mô đường cấp III, mặt đường cấp cao A1 (theo TCVN 4054). Cũng theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 thì số xe tiêu chuẩn tích lũy trong thời hạn thiết kế trên 1 làn trong 10 năm là 4 triệu xe. Theo số liệu đếm xe trong vòng 4 năm của Cục ĐBVN từ năm 2019 đến quý III/2022 tại 2 trạm Xuân Yên (Km1276+800) và trạm Hòa Xuân (Km1346+500) thì số lượng xe tiêu chuẩn tính trên 1 làn xe trong năm 2019 là 1.274.043 xe, năm 2020 là 1.163.146 xe, năm 2021 là 940.272 xe, năm 2022 là 1.045.492 xe. Trong 4 năm lưu lượng xe tiêu chuẩn trên 1 làn xe là 4.422.953 xe. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, lưu lượng xe trên 1 làn xe đã vượt số xe tiêu chuẩn tích lũy trên 1 làn trong 10 năm theo thiết kế. Đồng thời, do nguồn vốn còn hạn hẹp, mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sửa chữa, cộng với thời tiết bất lợi dẫn đến nền, móng đường bị ngậm nước làm suy giảm khả năng chịu lực.

Việc khắc phục hư hỏng mặt đường phát sinh trên quốc lộ 1 địa phận Phú Yên gặp nhiều khó khăn khi tình hình thời tiết mưa liên tục, không thể vá sửa triệt để bằng bê tông nhựa nóng nên chỉ vá sửa tạm để đảm bảo giao thông bằng vật liệu phù hợp. Tuy nhiên, do vá trong mưa nên miếng vá tiếp tục hư hỏng, phải thực hiện nhiều lần. Khu Quản lý đường bộ III thời gian qua đã nỗ lực để chỉ đạo, triển khai, đôn đốc quyết liệt; cử cán bộ thường trực tại hiện trường; tăng cường thêm nhiều đơn vị thi công với nhiều đầu thiết bị; thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông trong mọi điều kiện thời tiết nhằm đảm bảo phương tiện lưu thông thuận lợi và an toàn. Điều này được chính quyền địa phương ghi nhận, dư luận xã hội đồng tình, chia sẻ; các đơn vị thực hiện cũng được người dân động viên. Các nhà thầu tham gia công tác khắc phục thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 luôn chuẩn bị sẵn sàng khi thời tiết thuận lợi, sẽ tiến hành khôi phục hoàn trả lớp bê tông nhựa mặt đường, tạo êm thuận khi lưu thông.

* Vậy đâu là giải pháp tối ưu để tuyến quốc lộ 1 khai thác ổn định, thưa ông?

- Những phân tích về nguyên nhân và số liệu phát sinh hư hỏng như đã thống kê cho thấy rằng, để tuyến đường khai thác ổn định thì cần phải ưu tiên sửa chữa trùng tu ngay sau khi khắc phục các hư hỏng cục bộ phát sinh trong mùa mưa bão năm 2022. Đồng thời phải áp dụng các giải pháp sửa chữa phù hợp, khắc phục được các tác động của địa hình, địa chất, thủy văn và mưa lũ đã làm suy yếu nền, móng; phải tăng cường khả năng chịu lực của móng đường. Cục ĐBVN đã và đang áp dụng giải pháp tái chế nguội để sửa chữa triệt để những hư hỏng nói trên, tiết kiệm kinh phí, giảm phát sinh vật liệu đổ thải, bảo vệ môi trường.

Để tuyến đường khai thác ổn định thì cần phải ưu tiên sửa chữa trùng tu ngay sau khi khắc phục các hư hỏng cục bộ phát sinh trong mùa mưa bão năm 2022. Đồng thời áp dụng các giải pháp sửa chữa phù hợp, khắc phục được các tác động của địa hình, địa chất, thủy văn và mưa lũ đã làm suy yếu nền, móng; tăng cường khả năng chịu lực của móng đường. Cục ĐBVN đã và đang áp dụng giải pháp tái chế nguội để sửa chữa triệt để những hư hỏng nói trên, tiết kiệm kinh phí, giảm phát sinh vật liệu đổ thải, bảo vệ môi trường.

PHẠM THÙY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/405/291079/khac-phuc-hu-hong-tuyen-quoc-lo-1--can-cac-giai-phap-can-co-bai-ban-phu-hop.html