Khắc phục khẩn cấp tình huống sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau

Quyết định liên quan đến 5 vị trí của đê biển Tây tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 5.835m sạt lở đặc biệt nguy hiểm; dự kiến sẽ khắc phục khẩn cấp bằng vốn ngân sách Nhà nước khoảng hơn 69,7 tỷ đồng.

Các hộ dân sống ven đê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Các hộ dân sống ven đê bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngày 21/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Quân ký ban hành Quyết định số 1994/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Theo đó, Quyết định số 1994 liên quan đến 5 vị trí của đê biển Tây tỉnh Cà Mau có tổng chiều dài 5.835m sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Dự kiến sẽ khắc phục khẩn cấp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng hơn 69,7 tỷ đồng.

Trong số đó, huyện Trần Văn Thời có 3 điểm sạt lở với chiều dài 2.085m, huyện U Minh có 2 điểm sạt lở với chiều dài 3.750m.

Cụ thể, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời gồm đoạn Kênh Mới đến Đá Bạc dài 700m; đoạn Đá Bạc đến Sào Lưới dài 885m; đoạn Bắc Sào Lưới hướng về Ba Tĩnh dài 500m.

Các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc địa bàn huyện U Minh gồm đoạn Bắc, Nam vàm Khánh Hội dài 1.250m và đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa dài 2.500m.

Theo cơ quan quan chức năng tỉnh, 5 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm xuất hiện trên tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau. Điều này sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn; nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các các khu dân cư tập trung, hệ thống điện (cao, trung thế), trạm y tế, trường học và một số công trình quan trọng khác của một số địa phương ven biển.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện U Minh và Trần Văn Thời khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo tại khu vực sạt lở nguy hiểm; bố trí lực lượng trực và theo dõi diễn tiến sạt lở; khẩn trương xây dựng các phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt làm cơ sở tổ chức bảo vệ đê.

Đồng thời, tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp đúng Luật Đầu tư công; tổ chức triển khai công trình theo tình huống khẩn cấp.

Ủy ban Nhân dân huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời có trách nhiệm vận động sơ tán người, di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê).

Cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực này; thông báo cắm biển cảnh báo, biển giới hạn tải trọng xe; bố trí lực lượng canh theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở./.

Kim Há (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-khan-cap-tinh-huong-sat-lo-de-bien-tay-tinh-ca-mau/670609.vnp