Khắc phục khó khăn, bảo đảm chất lượng dạy và học

Ngày 6-9, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội chính thức bước vào chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến. Đón năm học mới với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song thầy, trò toàn ngành vẫn nỗ lực chung sức khắc phục khó khăn, quyết tâm bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng dạy và học.

Nhiều gia đình đã đầu tư mua máy tính, lắp đặt đường truyền internet tốc độ cao để cho con có điều kiện học online tốt hơn. Ảnh: Thiên Uy

Phát huy kinh nghiệm, chủ động phương án

Trong bối cảnh phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố, ngành Giáo dục Hà Nội triển khai kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 bảo đảm đúng tiến độ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kinh nghiệm và kết quả đạt được trong năm học 2020-2021 đã củng cố thêm niềm tin, sự quyết tâm để các đơn vị, nhà trường trên địa bàn thành phố có nhiều sáng kiến, giải pháp tổ chức dạy học chủ động, linh hoạt, ứng phó với mọi diễn biến của dịch, đồng thời phát huy tối đa thế mạnh của mỗi đơn vị.

Năm học 2020-2021, mặc dù việc tổ chức dạy học trực tiếp bị gián đoạn nhiều lần do ảnh hưởng của dịch, song ngành Giáo dục quận Cầu Giấy vẫn là một trong những đơn vị nằm trong tốp dẫn đầu thành phố về chất lượng giáo dục, khi hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu công tác. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết: Tỷ lệ học sinh tiểu học, trung học cơ sở tham gia học trực tuyến đạt 99,8%. Ngoài ra, học sinh các nhà trường còn tích cực tham gia học trên Hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy(http://study.hanoi.edu.vn), đạt khoảng 85%; học trên mạng xã hội học tập http://viettelstudy.vn, đạt khoảng 71%... Từ kinh nghiệm đã có, toàn ngành xác định tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao hơn nữa tỷ lệ học sinh học trực tuyến, quyết tâm không để học sinh nào bị gián đoạn việc học. Đó là điều quan trọng trong năm học 2021-2022, đặc biệt khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) là một trong số những trường ngoài công lập tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra đánh giá định kỳ cuối năm học 2020-2021 sớm nhất vào tháng 6-2021. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Từ việc chủ động kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021, nhà trường cũng sớm hoàn thành công tác tuyển sinh năm học 2021-2022, dành nhiều thời gian rà soát, hoàn thiện các điều kiện bảo đảm chất lượng. Năm học mới, để học sinh đáp ứng tốt hơn với bài kiểm tra trực tuyến, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, nhà trường có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm học sinh, đồng thời phát huy thế mạnh từ sự đồng thuận, quan tâm của phụ huynh học sinh”.

Ông Lê Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Cự Khối (huyện Gia Lâm) cho rằng: “Diễn biến thực tế của dịch thời gian qua cho thấy việc học trực tuyến của học sinh không còn là giải pháp tình thế. Vì vậy, từ đầu năm học mới, dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, song gia đình cũng dành tiền để mua một chiếc máy tính, lắp đặt đường truyền internet tốc độ tốt thay vì cho con sử dụng điện thoại để học”.

Ghi nhận việc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục Hà Nội đã đạt kết quả ấn tượng cả về giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, là niềm tự hào của cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, những kết quả này là nền tảng, động lực để ngành Giáo dục Hà Nội thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Chung tay vượt khó, hoàn thành “mục tiêu kép”

Năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 2,1 triệu học sinh, theo học ở gần 2.800 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Dù đã có những trải nghiệm và đạt kết quả tốt trong việc tổ chức dạy học trực tuyến từ năm học trước, song năm học 2021-2022 có nhiều nhiệm vụ mới, đòi hỏi các đơn vị, nhà trường tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp. Trước diễn biến phức tạp của dịch, toàn ngành đã và đang từng bước khắc phục khó khăn với quyết tâm trong hoàn cảnh nào cũng duy trì dạy tốt, học tốt.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng thông tin, một trong những thách thức lớn của quận trong năm học mới là số lượng học sinh nhiều hơn 6.000 em so với năm học 2020-2021, gây khó khăn cho việc thực hiện “mục tiêu kép” là vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, Phòng chỉ đạo các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ với yêu cầu thuần thục kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Với quy mô học sinh lớn, Phòng tập trung hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức dạy học; trao quyền chủ động cho nhà trường, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch môn học phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa bàn và đối tượng học sinh.

Khó khăn mới nảy sinh trong năm học 2021-2022 đối với ngành Giáo dục Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đúng vào thời điểm đầu năm học, đặt ra nhiều thách thức trong việc tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đà A (huyện Mê Linh) Lê Văn Long: Nhà trường đã dành gần 2 tuần đầu năm học để giáo viên chủ nhiệm của các lớp tổ chức hoạt động nhằm giúp học sinh lớp 1 làm quen với việc học trực tuyến. Ghi nhận ban đầu, dù có nhiều khó khăn do học sinh lớp 1 chưa biết đọc, chưa biết viết, song với sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh, các em đã cơ bản đáp ứng được hình thức học trực tuyến. Từ ngày 13-9, học sinh lớp 1 chính thức bước vào chương trình, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, nhà trường không đặt nặng yêu cầu về tiến độ mà tập trung giúp học sinh hình thành nếp học và tạo sự hứng thú với các em.

Năm học 2021-2022 cũng là năm toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 2 và lớp 6 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư, sự tích cực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng đối với hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tôi cùng các đồng nghiệp còn tìm kiếm, lựa chọn để bổ sung các phần mềm dạy học phù hợp với học sinh lớp 2, cố gắng để cô và trò có thể tương tác được với nhau nhiều hơn. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian bàn thảo, xác định những nội dung nào để đưa vào dạy trực tuyến, nội dung nào có thể quay thành video gửi cho phụ huynh để họ hỗ trợ con học tại nhà, cố gắng hạn chế thời gian học sinh phải ngồi học trước máy tính”.

Để khắc phục hiện tượng nghẽn mạng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến trong những ngày đầu năm học 2021-2022, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chỉ đạo: Các phòng giáo dục và đào tạo và nhà trường căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, của gia đình học sinh để bố trí thời gian học tập phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, tránh gây quá tải. Riêng với học sinh tiểu học, nhất là với các em lớp 1, lớp 2, các nhà trường lưu ý bố trí thời gian học (có thể bố trí thời gian học vào buổi tối, ngoài giờ hành chính) để phụ huynh sắp xếp thời gian đồng hành cùng con trong suốt buổi học và hỗ trợ xử lý các tình huống phát sinh. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, các nhà trường cũng cần tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh, hướng dẫn các em kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra tại gia đình như điện giật, hỏa hoạn, ngã...

“Sở cũng đã cấp 40.000 tài khoản cho giáo viên để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn; giới thiệu thêm một số phần mềm dạy học hữu ích để các nhà trường lựa chọn sử dụng cho phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, để có thêm kênh học tập cho học sinh, bảo đảm việc học của mọi học sinh không bị gián đoạn, Sở đang tham mưu với UBND thành phố để tổ chức chương trình dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội như đã triển khai trong năm học 2020-2021” ông Phạm Xuân Tiến thông tin thêm.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1012041/khac-phuc-kho-khan-bao-dam-chat-luong-day-va-hoc