Khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đã đề ra
Doanh thu lũy kế 6 tháng của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh ước đạt 34.792 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, đạt 50,4% kế hoạch năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã gây ra sự thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, giá nguyên liệu gia tăng... dẫn đến sản lượng của một số sản phẩm chủ lực sụt giảm. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022.
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp khó
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN quý II/2022 tuy không còn chịu ảnh hưởng nhiều của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn chịu nhiều tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục bị thiếu hụt và khan hiếm.
Báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy, trong 11 sản phẩm chủ lực chỉ có 4 sản phẩm tăng so với cùng kỳ là kính, giầy dép vải, camera modul và linh kiện điện tử, còn lại 7 sản phẩm có tỷ trọng lớn như ô tô, đạm, phân bón, xi măng... đều giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể: Clinke ước lũy kế 6 tháng ước đạt 2.199 nghìn tấn, giảm 3,57% so với cùng kỳ; các sản phẩm may lũy kế 6 tháng ước đạt 14.301 nghìn sản phẩm, giảm 12,9% so với cùng kỳ; xe ô tô ước đạt 28.449 chiếc, giảm 23,2% so với cùng kỳ; lắp ráp cần gạt nước ô tô ước đạt 5.487 nghìn sản phẩm, giảm 16,7% so với cùng kỳ; các sản phẩm phân bón của Nhà máy Bình Điền ước đạt 58.374 tấn, giảm 6,74% so với cùng kỳ, ước đạt 41% kế hoạch năm; thanh phôi nhôm ước đạt 27.921 tấn, giảm 5,48% so với cùng kỳ, ước đạt 41,6% kế hoạch năm; các sản phẩm của nhà máy đạm 287.400 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, đồng chí Bùi Duy Quang, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh biết: Qua tìm hiểu, phân tích và trao đổi cụ thể với các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân tác động tới sự tăng, giảm của các sản phẩm chủ lực chủ yếu từ khách quan mang lại như, trong quý I/2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động trong các doanh nghiệp mắc bệnh và nghi mắc phải nghỉ để điều trị và cách ly lên tới trên 10.000 người, gây ra thiếu hụt lao động.
Cùng với đó, trong nhiều tháng đầu năm, chính sách "Zero COVID" của chính phủ Trung Quốc làm cho việc lưu thông hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực bị giảm mạnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đã gây ra sự thiếu hụt, chậm trễ việc cung ứng nguyên, vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành nguyên liệu tăng cao.
Đơn cử như đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô; sự thiếu hụt nguồn linh kiện điện tử bán dẫn (bo mạch) để lắp ráp hoàn thiện sản phẩm, nên sản lượng bị giảm, chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu thị trường. Dự kiến tình trạng thiếu linh kiện sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Bên cạnh sự thiếu hụt nguyên vật liệu của ngành ô tô, giá nguyên vật liệu tăng cao như kính, xi măng, may mặc…, các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Chi phí vật tư, nguyên liệu tăng cao gây ra áp lực tài chính lớn cho hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động. Một số doanh nghiệp đặc biệt gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu vốn lưu động; thiếu vật tư dự phòng; bên cạnh đó, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt, chi phí sản xuất cao nhưng giá bán thấp dẫn đến kinh doanh không có lãi. Hiện lượng hàng tồn kho một số sản phẩm khá cao như: Kính tồn kho khoảng 70%; giầy da, may mặc tồn kho 40 - 50%; phân bón NPK tồn kho 50-60%...
Cần thêm động lực để tăng trưởng
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đa số đều giảm sản lượng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu chính vẫn có mức tăng trưởng nhẹ. Trong đó, doanh thu lũy kế 6 tháng ước đạt 33.218 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, đạt 48,1% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu 6 tháng ước đạt 881,4 triệu USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ, đạt 51,8% kế hoạch năm; thu ngân sách 6 tháng đầu năm trong các KCN ước đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch...
Theo đồng chí Bùi Duy Quang, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Để đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra là: Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt trên 69.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD; thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho trên 3.000 lao động, cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong tỉnh chặt chẽ hơn nữa để đưa ra các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, động viên doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Với nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chủ động bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, hỗ trợ, đề xuất UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ trong các KCN, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài ra, các cấp, các ngành cần phối hợp để giải quyết những khó khăn liên quan đến việc cắt giảm điện năng hoặc thay đổi điện áp phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; không tính tiền phạt chậm nộp, hoãn thời hạn thu, nộp bảo hiểm bắt buộc để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục giảm thời gian thông quan hàng hóa; thực hiện bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng nhằm hỗ trợ đời sống người lao động; bình ổn giá xăng dầu và các nguyên vật liệu đầu vào nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; sớm có giải pháp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tại KCN Phúc Sơn theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của các chủ đầu tư. Tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với đăng ký ô tô đến hết năm 2022.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm