Khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, đại biểu Chu Huy Quyết, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Nam nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; một số giải pháp trong việc thực hiện.

Đối với huyện Lục Nam giai đoạn 2019-2021 có 3 đơn vị hành chính sắp xếp thành 1 đơn vị gồm xã Tiên Hưng, thị trấn Lục Nam và thị trấn Đồi Ngô thành thị trấn Đồi Ngô; giai đoạn 2023-2025 có 2 đơn vị xã Vũ Xá và xã Cẩm Lý thành xã Cẩm Lý. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đặt ra những khó khăn, vướng mắc như những đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán; việc đặt tên xã sau sáp nhập...

 Đại biểu Chu Huy Quyết tham luận tại hội trường.

Đại biểu Chu Huy Quyết tham luận tại hội trường.

Việc lựa chọn trụ sở làm việc của đơn vị mới, cơ sở vật chất mới chưa đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức, kinh phí cải tạo, xây dựng mới trụ sở làm việc cũng là vấn đề lớn đặt ra; việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; việc xử lý cơ sở vật chất của các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp vẫn còn vướng mắc như trụ sở bỏ không chưa được đưa vào sử dụng, địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí.

Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trong quá trình tiến hành sáp nhập, nếu không được kịp thời khắc phục sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh trật tự của địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trên, đại biểu Chu Huy Quyết đề xuất các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển KT- XH tại địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thấu hiểu và nhận được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.

Rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập; các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan.

Quan tâm tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức khi tiến hành việc thực hiện sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, cần có những giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề dôi dư cán bộ, công chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong quá trình thực hiện phải thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải bảo đảm hợp tình, hợp lý.

Cần nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về sử dụng chung tài sản công như: Nhà văn hóa, nhà đa năng các trường học…; đồng thời, HĐND, UBND tỉnh cần ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc mới đối với các đơn vị sáp nhập để đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ làm việc.

Trong quá trình sáp nhập cần chú ý đến những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; trong đó quan tâm đến tính hài hòa giữa văn hóa truyền thống và đặc thù của địa phương, nhất là đối với các tín ngưỡng, tôn giáo. MTTQ và các đoàn thể cần tích cực vận động quần chúng, các tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo thực hiện tốt phong trào sống tốt đời, đẹp đạo để vừa làm tốt việc đạo, vừa góp phần xây dựng đất nước. Chủ động tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ để giúp các tổ chức xã hội hòa nhập sau sáp nhập, nhằm tạo sự đồng thuận, góp phần chung tay, đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Nhóm PV Nội chính

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khac-phuc-kho-khan-vuong-mac-trong-viec-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-154207.bbg